T2, 06/07/2020 11:31

Rộn ràng lễ hội Cầu Ngư

Chưa có đánh giá về bài viết

Lễ hội Cầu Ngư thể hiện giấc mơ biển lặng gió hoà, tàu bè ra khơi vào lộng tôm cá đầy khoang, ngư dân ấm no hạnh phúc. Những ngày đầu Xuân Ất Mùi, nhiều địa phương lại rộn ràng lễ hội Cầu Ngư…

Ngày 12/1 âm lịch hằng năm, lễ hội Cầu Ngư ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) suy tôn thành hoàng làng Trương Quý Công có công dạy cho dân nghề đánh cá, buôn bán ghe mành. Từ chiều 11, trên mỗi tàu thuyền đã chăng đèn kết hoa, bắt đầu lễ cung nghinh, kéo dài suốt đêm bằng lễ cầu an, chánh tế, tưởng niệm. Lễ tế thần bắt đầu lúc 2 giờ ngày 12/1, với bài tế dâng lên thần linh và tiền bối của làng, cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đánh bắt được mùa, dân làng no ấm, hạnh phúc. Khoảng 4 giờ, lễ chánh tế kết thúc. Tiếp đó là phần hội Cầu Ngư Thuận An. Có nhiều màn diễn sinh hoạt nghề biển, như “bủa lưới’ và hội đua ghe thuyền…

Tại Quảng Ngãi, sáng mùng 3 Tết hằng năm, đông đảo ngư dân Phổ Thạnh (Đức Phổ – Quảng Ngãi) tụ về cửa biển Sa Huỳnh tham gia lễ ra quân đánh bắt hải sản. Sau lễ cúng tế thần Nam Hải tại Lăng Ông, các phần nghi thức múa bả trạo cầu ngư, hát sắc bùa, múa lân cổ truyền, đến phần ca múa nhạc hiện đại… Khi giờ lành được điểm, hàng chục con tàu “cất tiếng”, nối đuôi nhau hướng ra biển khơi, mở đầu một năm làm nghề thuận lợi, gặp nhiều may mắn.

Lễ ra quân đánh bắt thủy sản của ngư dân Quảng Ngãi – Ảnh: Nguyễn Đăng Lâm

Huyện đảo Lý Sơn tổ chức lễ ra quân đánh bắt đầu năm vào ngày mùng 8 Tết, với mong muốn mùa biển mới yên bình, mưa thuận, gió hòa, tàu buồm xuôi gió, cá về đầy khoang.  Trước khi tổ chức lễ ra quân, các cụ cao niên chức việc tại Lăng ông Nam Hải đã tổ chức lễ Cầu Ngư, cầu mong thần Nam Hải che chở, phù trợ để ngư dân bám biển làm ăn. Theo đó, các ngư dân là chủ tàu cá đánh bắt xa bờ, với trang phục khăn đóng áo dài và những mâm lễ vật, hương hoa… tập trung để được cụ quản Lăng hướng dẫn làm lễ cúng tế mở cửa biển đầu năm mới. Trong tiếng trống, tiếng reo hò, những đoàn tàu đánh cá nối đuôi nhau hướng về ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa…

Mùng 6 Tết hằng năm, tại vùng biển xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ (Quảng Nam), ngư dân tổ chức lễ hội Cầu Ngư. Lễ Cầu Ngư được cúng 3 nơi, nơi đầu cúng ở Lăng cô bác xóm, tiếp đến cúng Lăng tổ thần trong giới, cuối cùng là ngoài bãi biển. Lễ cầu cô bác đầu năm cho nhân dân sức khỏe, thời tiết thuận lợi, trời yên biển lặng, tàu thuyền ra khơi bình an, đánh bắt được nhiều thủy hải sản. Lễ cầu ngư ở bãi biển còn cầu mong một năm bãi biển an hòa, khách du lịch đến đông hơn, không có sự cố gì xảy ra, một năm phát đạt… Ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam), tại Lăng ông Vạn Xuân Hải, sau lễ Cầu Ngư, đến ngày 16 hay 18/1 âm lịch, tàu thuyền bắt đầu ra khơi…

Tế cá Ông trong lễ hội Cầu Ngư ở TP Đà Nẵng – Ảnh: Anh Tuấn

Lễ hội Cá Ông là lễ hội lớn nhất của ngư dân TP Đà Nẵng, được tổ chức ở nhiều vùng ven biển (Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp…), thường diễn ra trong hai ngày giữa tháng 3 âm lịch. Mỗi nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Tàu thuyền được chăng đèn kết hoa. Làng chọn ra ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, có uy tín, không mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản), đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với Cá Ông; cầu mong mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè an toàn. Rạng sáng hôm sau, dân làng đánh trống làm lễ rước trên biển, có nơi còn tổ chức lễ rước Ông từ làng này qua làng khác. Tất cả tàu thuyền ra khơi đến một vị trí định trước; vị chánh tế tổ chức “xin keo”. Nửa đêm đó, dân làng làm lễ chánh tế (gồm lễ khai mõ, đội học trò dâng hương). Mỗi địa phương một vẻ, nhưng đều là trò chơi dân gian (lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng…) cùng các tiết mục văn nghệ đặc sắc.

Lễ rước thần Nam Hải từ Lăng Cá Ông lên tàu ra khơi ở TP Đà Nẵng – Ảnh: Anh Tuấn

Lễ hội Cầu ngư ở làng biển Khánh Hòa thường diễn ra từ sáng sớm, bằng lễ Nghinh Ông trên biển. 15 chiếc ghe xếp thành hình chữ V, trống giong cờ mở rộn rã. Đông người tham gia nhất là lễ rước sắc phong. Đám rước sắc phong được chia làm 2 đoàn, một đoàn đi từ phía bắc, một đoàn từ phía nam. Trong mỗi đoàn, dẫn đầu là đội múa lân – sư – rồng; tiếp đến là mô hình con thuyền lướt sóng; người tham gia lễ rước mặc cổ trang, tay cầm cờ, binh khí xếp thành hai hàng. Đoàn rước sắc về đến lăng cũng là lúc diễn ra nghi thức nhập lăng, với các màn múa lân, rồng, dâng hương, đội bá trạo chèo hầu. Phần lễ được tiếp nối bằng tiết mục múa siêu, rồi phần diễn hò bá trạo diễn ra khi Nghinh Ông từ vạn lạch trở về lăng rước linh Ông nhập lăng. Tiếp nối lễ tế chính là phần hát tuồng Đại Bái và Thứ Lễ. Kết thúc lễ hội Cầu ngư là nghi thức Tôn Vương. Lễ Tôn Vương thể hiện khát vọng hòa bình, với phần hát múa tổng hợp: múa lân, múa long hổ hội, múa chuốc rượu, múa dâng bông… cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.

Đoàn thuyền của các vạn chài làm lễ Cầu Ngư ở Bình Thuận – Ảnh: Anh Tuấn

Lễ hội Cầu Ngư ở Bình Thuận diễn ra trong 5 ngày tại Vạn Thủy Tú, gồm nhiều lễ nghi, nhất là lễ Nghệ sắc (Ban lâm tế cúng vái thần, đưa sắc phong xuống  hương án, báo cáo lễ Tết chính thức bắt đầu, mời thần về chứng giám). Lễ cúng cá Ông Sanh Thủy Lục diễn ra tại biển phía ngoài cảng Phan Thiết trong 2 giờ. Đoàn chèo Bá Trạo trình diễn lễ cung nghinh thần Nam Hải từ biển khơi về. Về đến vạn, tiếp tục hát chèo mời thần vào ngự. Phần hội diễn ra bên ngoài và trên biển như lễ Nghinh Ông từ biển về; thời gian chủ yếu diễn chèo Bá Trạo trên thuyền, trên quãng đường rước từ cửa biển về vạn thuỷ. Ngoài ra còn lễ phóng đăng trên biển, lễ phóng sanh, phá cộ, thả thuyền cúng các linh hồn đã khuất trên biển.

Nguyễn Ngân

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!