(Thủy sản Việt Nam) – Đây là nội dung chính của Nghị định 48/2011/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký han hành ngày 21/6/2011.
Nghị định này gồm 5 chương và 42 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền và trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải. Áp dụng cho mọi cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
Các hành vi vi phạm bao gồm: Vi phạm trong hoạt động xây dựng và khai thác cảng biển; vi phạm trong hoạt động hàng hải của tàu thuyền tại cảng biển; vi phạm trong hoạt động đăng ký, đăng kiểm tàu thuyền và bố trí thuyền viên, sử dụng chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên, hộ chiếu thuyền viên; vi phạm trong hoạt động hoa tiêu hàng hải; vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải biển và dịch vụ hàng hải; vi phạm trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng hải tại cảng biển; vi phạm trong hoạt động trục vớt tài sản chìm đắm tại cảng biển; vi phạm trong hoạt động bảo đảm an toàn hàng hải tại cảng biển.
Tuy nhiên, không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm xảy ra trong trường hợp thuộc tình thế cấp thiết, phòng vệ chính đáng, sự kiện bất ngờ và các trường hợp bất khả kháng khác để bảo đảm an toàn sinh mạng con người, bảo đảm an toàn, an sinh cho tàu thuyền, hàng hóa và công trình giao thông hoặc vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Theo Nghị định, khung xử phạt cho các tàu thuyền vi phạm thấp nhất là 200.000 đồng và cao nhất là 100.000.000 triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 60-80 triệu đồng đối với hành vi chở khách trên 30 người so với số lượng cho phép của tàu thuyền có tổng dung tích trên 3.000 GT. Ngoài ra, các lỗi chở khách quá số người quy định của tàu thuyền có tổng dung tích dưới 3.000 GT cũng bị đưa vào xử phạt hành chính.
Hành vi kéo còi hoặc dùng loa điện để thông tin trong trường hợp không phải là cấp cứu hoặc báo động khẩn cấp theo quy định; tàu thuyền nước ngoài treo cờ lễ, cờ tang mà không thông báo trước cho Cảng vụ hàng hải; treo cờ hiệu không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 200.000-1.000.000 đồng. Hành vi không treo hoặc treo Quốc kỳ Việt Nam không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Đối với hành vi chở hàng vượt dưới 5% so với trọng tải cho phép thì sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng; vượt từ 5-10% trọng tải cho phép thì phạt tiền từ 20-40 triệu đồng; vượt từ 10% trở lên so với trọng tải cho phép thì bị phạt từ 40-80 triệu đồng.
Các hành vi xả nước hoặc chất thải có lẫn độc hại gây ô nhiễm môi trường, không trục vớt tàu đắm gây nguy hiểm thì bị xử phạt tối đa tới 100 triệu đồng…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/9/2011 và thay thế Nghị định số 62/2006/NĐ-CP ngày 21/6/2011 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.
Ban Pháp Luật – Bạn Đọc