Đây là mô hình nuôi tôm mới tại Thái Lan, được phát triển trên cơ sở công nghệ Biofloc; ưu điểm nhất là dùng hạt floc và thức ăn tự nhiên làm thức ăn chính cho tôm nuôi, không dùng thức ăn công nghiệp.
Ưu điểm vượt trội
Công nghệ Copefloc, cũng như Biofloc, có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, Ammonia tự do trong nước được chuyển hóa thành protein trong sinh khối vi sinh vật dị dưỡng, tập hợp thành các hạt Biofloc lơ lửng trong nước. Thứ hai, nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh do không phải thay nước. Thứ ba, không gây ô nhiễm môi trường; giảm chi phí thức ăn, thuốc, hóa chất. Tôm tăng trưởng nhanh.
Khác công nghệ Biofloc, công nghệ Copefloc thiết kế vận hành đơn giản và hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp, có thể đưa tôm cỡ PL10 – 12 trực tiếp vào ao nuôi mà không cần giai đoạn ương 30 ngày.
Hệ thống nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ Copefloc có nhiều ưu điểm hơn so với những hệ thống ứng dụng công nghệ đang phổ biến hiện nay, như: kỹ thuật thay nước định kỳ, tuần hoàn nước sử dụng hệ thống lọc sinh học hay lọc cơ học. Giải pháp thay nước thường kéo theo việc thải chất ô nhiễm ra môi trường, tốn nước sạch, tăng chi phí năng lượng, như việc chạy máy bơm và tăng nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ nguồn nước cấp. Vận hành hệ thống lọc sinh học và lọc cơ học đòi hỏi hệ thống thiết bị phức tạp, chi phí vận hành và năng lực kỹ thuật cao. Tiến bộ hơn hai phương pháp trên hệ thống Copefloc vừa có khả năng cải thiện môi trường vừa tạo nên sinh khối thức ăn tự nhiên, góp phần tái sử dụng dinh dưỡng từ chất thải của động vật thủy sản; vận hành cũng khá đơn giản. Nuôi theo công nghệ Copefloc hoàn toàn không sử dụng hóa chất hay kháng sinh, vì vậy nâng cao được chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Nguồn thức ăn cho tôm nuôi
Thức ăn được sử dụng trong hệ thống này chủ yếu là các hạt biofloc và thức ăn tự nhiên (copepod, động vật thân mềm, giun nhiều tơ, giáp xác nhỏ…). Các loại thức ăn này đều giàu dinh dưỡng, rất tốt cho sự sinh trưởng của tôm. Copepod, động vật nguyên sinh, một số loài giáp xác nhỏ, là những thức ăn rất quan trọng cho tôm cá, đặc biệt trong giai đoạn còn nhỏ. Còn các hạt biofloc bản chất là sự kết dính tảo, nguyên sinh động vật, phân tôm, chất thải hữu cơ được chuyển hóa và có hàm lượng protein cao hơn hàm lượng protein trong thức ăn công nghiệp.
Sơ đồ chuỗi thức ăn trong quy trình nuôi tôm theo copefloc
1: Phân thải của tôm, cá nuôi cung cấp nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn và thực vật phù du
2: Vi khuẩn, thực vật phù du trở thành thức ăn cho động vật phù du hoặc động vật đáy
3: Động vật phù du làm thức ăn cho giáp xác nhỏ, động vật phù du khác
4: Động vật phù du, giáp xác nhỏ, động vật đáy làm thức ăn cho tôm, cá nuôi
Nguồn thức ăn tự nhiên được gây nuôi sau khi nước được lắng lọc trong ao lắng một thời gian, cấp vào bể nuôi với độ sâu 1,2 – 1,5 m; làm giàu ôxy bằng cách sục khí mạnh, trong 24 – 48 giờ. Dùng cám gạo lên men với probiotic cho vào túi vải thưa, hình ống, cho xuống ao nuôi, với lượng 300 kg/ha. Tiếp tục quạt nước, sục khí trong 7 – 10 ngày. Gặp môi trường thuận lợi, thức ăn tự nhiên trong ao nuôi sẽ phát triển.
Dung dịch biofloc mồi được chuẩn bị bằng cách lên men hỗn hợp được pha theo tỷ lệ: 1 lít nước sạch, 10 g bột ngũ cốc (bột cá, bột đậu nành…), 10 ml dịch nuôi cấy chủng vi khuẩn thuần chủng Baccilus subtilis mật độ 106 vi khuẩn/ml. Quá trình lên men được thực hiện trong điều kiện sục khí mạnh trong 48 giờ, pH duy trì 6,0 – 7,2 bằng cách bổ sung dịch đệm pH, ở điều kiện nhiệt độ 25 – 280C. Đến khi vi sinh vật phát triển mạnh sẽ hình thành các bóng khí lớn nổi trên các bề mặt biofloc mồi là có thể bổ sung vào ao nuôi.
Vận hành
Hệ thống nuôi theo công nghệ Copefloc không tạo chất thải, vì vậy không cần hệ thống máy bơm gom tụ chất thải; thay vào đó cần bố trí hệ thống sục khí cung cấp nhiều ôxy cho tôm nuôi, vi sinh vật, thức ăn tự nhiên trong ao nuôi. Nuôi theo công nghệ Copefloc sử dụng hệ thống sục khí đáy được thiết kế bằng cánh khoan các lỗ nhỏ trên ống nhựa PVC, khoảng cách giữa các lỗ 25 – 30 cm, tạo thành mạng lưới với diện tích bao phủ khoảng 40% tổng diện tích ao nuôi, thay vì không dùng hoặc dùng rất ít hệ thống quạt nước.
Mật độ nuôi ít hơn 50 con/m2. Ở mật độ nuôi này tôm phát triển tốt, hoàn toàn sử dụng thức ăn tự nhiên.
Trong quá trình nuôi không cần cho ăn; thay vào đó người nuôi phải quản lý, duy trì quần thể và mật độ thức ăn tự nhiên, lượng biofloc trong ao nuôi.
Thu mẫu và tính toán mật độ copepod hằng ngày bằng cách dùng xô, chậu lấy 50 – 100 lít nước ở các vị trí khác nhau trong ao nuôi. Sau đó lọc qua lưới phiêu sinh, kích thước mắt lưới 50 – 70 µm, cho vào lọ 60 ml, cố định bằng formol 2 – 4%. Dùng pipet lấy 1 ml và đếm dưới kính hiển vi ở độ phóng đại 10X, 40X, bằng phương pháp di chuyển buồng đếm theo tọa độ. Từ đó tính toán được mật độ của copepod và điều chỉnh lượng chế phẩm sinh học bón xuống ao làm thức ăn cho copepod và sinh vật trong ao nuôi.
Để kích thích sự hình thành và duy trì tính ổn định của biofloc, cần bổ sung biofloc mồi và bổ sung nguồn cacbon vào hệ thống nuôi. Có rất nhiều nguồn cung cấp cacbon: bột ngũ cốc, mật rỉ đường, bột bã mía, rơm, cỏ. Duy trì hàm lượng biofloc < 1 ml/l trong suốt chu kỳ nuôi.
>> Xét theo nguyên lý hoạt động thì Copefloc là công nghệ nuôi được vận hành khá đơn giản, hoàn toàn khép kín, không tạo ra chất thải; đây được đánh giá là mô hình nuôi an toàn, ít rủi ro. Điểm quan trọng của quy trình này là kỹ thuật tạo và duy trì nguồn thức ăn cho tôm trong suốt vụ nuôi. |
Bổ sung cacbonhidrat bao nhiêu kg/m2 zậy