Cá tồn… dân cạn vốn

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Giá thành sản xuất tăng liên tục trong khi giá thu mua nguyên liệu giảm từng ngày, cá đến kỳ thu hoạch không thể bán được, đó là thực trạng đang xảy ra đối với người nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL hiện nay. Lại thêm một lần nữa, người nuôi cá tra đứng bên bờ của sự phá sản!

Khi doanh nghiệp không mặn mà

Giá cá tra nguyên liệu loại nhỏ hiện đã giảm từ 5.000-7.000 đồng/kg so với mấy tháng trước đó và xuống mức 21.000-23.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá cá giảm là vậy nhưng nhà máy vẫn không mặn mà thu mua. Và thực tế người nuôi cá vẫn không thể “với” được giá 26.000 đồng/kg theo cam kết của Ủy ban Cá nước ngọt và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam dù cá đúng kích cỡ. Còn đối với cá tra quá cỡ (trên 1kg) tình trạng còn thê thảm hơn, doanh nghiệp không ngó tới, nhiều người nuôi chọn cách tự mang ra chợ bán, nhưng số lượng tiêu thụ ít nên cá tồn đọng vẫn còn rất lớn.

Ông Võ Văn Đệ, phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) lo lắng: Cá loại nhỏ hiện nay chỉ còn 21.000-23.000 đồng/kg, với giá này, người nuôi phải chịu lỗ nặng, giá cá giảm từng ngày nhưng kêu bán chẳng nhà máy nào chịu mua, mà cứ hẹn lần hẹn lượt”. Đây là một trong những nguyên nhân làm gia tăng lượng cá tra quá cỡ tại các tỉnh ĐBSCL hiện nay. Ông Phan Văn Bé (Cai Lậy, Tiền Giang) tâm sự: “Nghe nhiều người nói cá trên 1kg rất khó bán nên cá của tôi mới đạt 800-850gr/con tôi đã kêu bán rồi. Nhưng mấy ngày nay chưa có thương lái nào chịu mua. Nếu tình trạng này kéo dài, chắc cá của tôi cũng sẽ trở thành cá quá lứa”.

Hiện ở ĐBSCL, lượng cá tra quá lứa đang tồn đọng hơn 20.000 tấn      Ảnh: Duy Khương

Lý giải cho vấn đề chậm thu mua, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu giải thích là “do thị trường châu Âu đang vào giai đoạn nghỉ hè, các nhà nhập khẩu giảm sản lượng, nên số lượng xuất khẩu giảm và vì thế giá xuất khẩu cũng giảm nhẹ”. Đây liệu có phải là lý do để nhiều doanh nghiệp không thực hiện theo đúng những gì họ đã cam kết, cố tình “bẻ kèo” và “bình chân” trước hàng loạt khó khăn đang ập xuống người nuôi cá.

 

“Trăm dâu đổ đầu tằm”

Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, hiện nay người nuôi cá đang phải chịu thiệt vì không những giá thức ăn tăng cao mà chất lượng thức ăn ngày càng giảm dẫn đến thời gian nuôi kéo dài, môi trường ô nhiễm, chất lượng cá giảm. Hiện nay, giá thức ăn đã tăng 10% so với đầu năm và tăng 30-40% so với cùng kỳ năm 2010. Ông Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng: Người nuôi cá đang bị chi phối rất lớn bởi giá thức ăn, trong khi giá nguyên liệu sản xuất giảm nhưng giá thức ăn lại tăng, khi đó giá thức ăn ảnh hưởng rất lớn đến giá thành.

Còn ông Nguyễn Văn Kịch – Tổng giám đốc Công ty CP CAFATEX (Hậu Giang) chia sẻ: Khi cá trong dân nhiều, doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ size nhỏ (dưới 850gr), trong khi người nuôi chưa có thông tin gì về cỡ này, chỉ nuôi đúng theo chuẩn trước đó là 1kg/con. Thiệt thòi quá lớn cho người nuôi cá!”.

Cá không thể tiêu thụ được đang là gánh nặng cho người nuôi vì gánh nặng chi phí thức ăn trong khi cá càng lớn càng khó bán. Ông Nguyễn Quốc Dư (Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) cho biết, mỗi ngày phải đổ mấy chục tấn thức ăn cho cá, nếu nhà nước, doanh nghiệp không cứu thì người nuôi chắc chắn sẽ đứng bên bờ vực phá sản. Bởi hiện nay, để nuôi 100 tấn cá tra thì người nuôi cần 2,3 tỷ đồng. Trong khi ngân hàng không cho vay, doanh nghiệp bán thức ăn tính lãi trả chậm nên mọi bất lợi đều đổ lên đầu người nuôi.

Người nuôi không thể quyết định được giá thức ăn, giá cá tra nguyên liệu. Doanh nghiệp chỉ cần đổ cho cá quá lứa không xuất khẩu được và không thu mua là người nuôi sẽ rơi vào nguy cơ phá sản. Hơn nữa, nếu người nuôi không tiếp tục thả nuôi thì hàng ngàn người ươm cá giống cũng “chết” theo.

 

Giải pháp cứu cá tra

Để có thể cứu được cá tra trong giai đoạn hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng giữa doanh nghiệp và người nuôi cần phải có sự liên kết chặt chẽ và chia sẻ cả lợi nhuận lẫn rủi ro. Ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho rằng: Hiện nay, để cứu nghề nuôi cá thì Nhà nước cần có giải pháp để doanh nghiệp thu mua hết lượng cá trong dân, vì thực tế giá xuất khẩu không hề giảm. Giữa người nuôi cá và doanh nghiệp cần có tiếng nói chung, bởi vì người nuôi cá thường là người chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Còn theo ông Nguyễn Văn Phấn, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Hiệp Thanh (Cần Thơ), giữa người nuôi cá và doanh nghiệp cần phải tôn trọng, hợp tác với nhau. Khi giá cá tăng cao, doanh nghiệp chịu lỗ vẫn chấp nhận mua, nhưng người nuôi găm hàng không bán. Bây giờ vùng nuôi của một số doanh nghiệp vào vụ thu hoạch nên cá thừa dẫn đến rớt giá. Để giải quyết tình trạng này, các doanh nghiệp cũng cần chia sẻ khó khăn với người nuôi, thu mua cá tra quá lứa để đẩy giá cá tra nguyên liệu lên.

Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang: Để giải quyết thấu đáo vấn đề, ngoài việc thu mua cá quá lứa còn phải tính đến chuyện phát triển bền vững nghề nuôi, chế biến cá tra. Không thể để chuyện cá khan hiếm dân không chịu bán và cá thừa thì doanh nghiệp không chịu mua. Một nghịch lý là tổng lượng cá nuôi ở ĐBSCL chỉ đáp ứng 50% nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy nhưng lại xuất hiện tình trạng thừa nguyên liệu. Do vậy, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như bình ổn giá thức ăn, ngân hàng cho vay vốn hỗ trợ người nuôi, ra giá sàn cá tra nguyên liệu, quy hoạch vùng nuôi, sản lượng…

>> Theo VASEP, xuất khẩu cá tra 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục tăng. Sản lượng xuất khẩu đạt 319.359 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 828,6 triệu USD, tăng lần lượt 4,9% về lượng và 27% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra ĐBSCL, tính đến hết tháng 6, tổng diện tích nuôi cá tra đạt 3.980 ha (tăng 385 ha so với cùng kỳ). Trong đó, diện tích đã thu hoạch là 1.933 ha, sản lượng đạt 597.324 tấn, năng suất bình quân là 309 tấn/ha.

Hồng Hà

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!