Hỏi: Cá chép cỡ 3 – 5 cm bị kênh mang, tỷ lệ chết rất cao. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Nguyễn Văn Trung, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Cá chép cỡ 3 – 5 cm, bị kênh mang thường là do ấu trùng sán C.formosalus ký sinh trên mang cá gây nên. Tại mang cá, ấu trùng nằm sâu trong tơ mang hình thành bọc (Metacercariae) làm trương phồng các tơ mang gây kênh nắp mang. Ấu trùng sán C.formosalus ký sinh ở mang cá sẽ cạnh tranh dinh dưỡng làm cá chậm lớn, gây cản trở quá trình hô hấp của cá nên khi cá nhiễm ấu trùng thường bơi lờ đờ trên bề mặt, quanh bờ và nhiễm nhiều gây chết cá, đặc biệt ở những ao ương dày vào những ngày thời tiết thay đổi. Điều trị bằng cách sử dụng Praziquantel, liều lượng 50 – 75 mg/kg thức ăn liên tục trong 5 ngày.
Hỏi: Nuôi cá ở ruộng lúa nên chọn loại cá nào và mật độ nuôi thế nào thích hợp nhất? (Phạm Văn Hiển, huyện Tam Ngãi, tỉnh Trà Vinh)
Trả lời:
Trong ruộng lúa, nuôi cá chép là thích hợp nhất, do cá chép tận dụng tốt nguồn thức ăn là mùn bã hữu cơ sẵn có trong ruộng. Ngoài ra, có thể nuôi ghép với một số đối trượng nuôi khác như cá mè, rô phi, trôi, tuy nhiên tỷ lệ cá chép chiếm trên 50%. Nếu nuôi mật độ 0,1 – 0,2 con/m2, không cần cung cấp thêm thức ăn trong suốt quá trình nuôi; nếu mật độ 0,2 – 0,5 con/m2, cần bổ sung thức ăn với khẩu phần 2 – 3% trọng lượng thân. Nuôi ghép cá trong ruộng lúa nên thả cá giống cỡ lớn, 100 – 500 g/con, tùy điều kiện đầu tư.
Hỏi: Ao nuôi cá nước ngọt diện tích 7.000 m2, trong ao có nhiều cá rô phi tạp. Loại bỏ cá rô phi tạp như thế nào? (Nguyễn Phương Nam, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định)
Trả lời:
Trong ao có nhiều cá rô phi tạp chỉ có thể xử lý bằng phương pháp thủ công là kéo toàn bộ cá trong ao và lọc cá rô phi tạp. Tiến hành kéo và lọc cá vào lúc trời mát để đảm bảo sức khỏe cho cá. Khi lọc cá cần nhiều người để đảm bảo thời gian thực hiện ngắn nhất, kéo dài không quá 4 giờ. Trước khi lọc, cho cá nhịn ăn khoảng 2 ngày.
Cá rô phi tạp cạnh tranh thức ăn trực tiếp với các loài cá nuôi trong ao dẫn đến tiêu tốn thức ăn, không đủ thức ăn cho các đối tượng nuôi chính. Trong lượng cá rô phi tạp thường có kích thước thương phẩm nhỏ, giá trị kinh tế thấp. Vì vậy, ao nuôi quá nhiều rô phi tạp thường sẽ bị lỗ. Để tránh hiện tượng này, khi lấy nước vào ao nuôi nên sử dụng lưới có kích thước mắt lưới 100 mắt/1 cm để chắn trứng cá.