(Thủy sản Việt Nam) – Cá chình là loài ít bệnh, dễ thích nghi môi trường, cho thịt thơm ngon, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện, mô hình nuôi cá chình được bà con nhiều địa phương nhân rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Khả năng thích nghi cao
Cá chình là loài dễ thích nghi, có thể sống được ở nước mặn, lợ, ngọt. Nhiệt độ từ 1 – 380C cá đều có thể sống, nhưng trên 120C cá mới bắt mồi. Nhiệt độ sinh trường là 13 – 300C nhưng thích hợp nhất là 25 – 270C. Cá thích bóng tối, sợ ánh sáng nên ban ngày chui rúc trong hang, dưới đáy ao, nơi có ánh sáng yếu, tối bò ra kiếm mồi. Đặc biệt, cá chình có một quá trình sống khác lạ. Sống ở ao đầm, các con sông, suối nước ngọt, nhưng tới mùa sinh sản, cá mẹ trở lại với biển khơi để sinh đẻ. Ở chỗ ấy thường sâu tới 300 – 400m, độ mặn lên tới 35‰ và nhiệt độ hạ xuống 16-170C. Mỗi con có thể đẻ từ vài trăm tới 1 – 2 triệu trứng. Sau khi trứng nở, cá bột tìm vào các cửa sông và sống trôi nổi ở đó. Tới khi thành cá con, chúng đi sâu vào các ao đầm, sông, suối và sinh sống ở đó.
Việc sinh sản nhân tạo cá chình đến nay chưa có nước nào nghiên cứu thành công. Tất cả cá giống đều dựa vào việc khai thác từ tự nhiên ngoài cửa sông hoặc ven biển. Ở nước ta, cá chình phân bố nhiều từ Quảng Bình đến Bình Ðịnh, đặc biệt là vùng hồ Châu Trúc, Bình Ðịnh, hằng năm cung cấp một lượng cá giống quí cho nhân dân trong vùng. Vì vậy, người nuôi phải mua cá giống của những người đi vớt cá con, chú ý mua phải cá do dùng xung điện để bắt. Cá khỏe là những con có da bóng, nhiều nhớt, không dị hình và không mang bệnh tật. Cỡ cá từ 100 -200gr/con là tốt nhất. Nên thả thưa, trung bình 1m2/con. Cá chình có thể nuôi ở trong ao, hồ, trong lồng hoặc bể xi măng.
Cá chình ít bệnh và khả năng thích nghi cao nên được nuôi ở nhiều địa phương, đặc biệt ở ĐBSCL như Cần Thơ, An Giang, Cà Mau…
Nuôi cá chình cho hiệu quả cao Ảnh: Phan Thanh
Hiệu quả kinh tế lớn
Người dân nuôi cá chình hiệu quả ở Cà Mau cho biết, nuôi cá giống khoảng 100g, trong 6 tháng thì cá đạt cỡ 1 kg/con và sau 2 năm thì cá chình sẽ nặng từ 4 kg trở lên. Nếu cá không thất thoát thì vốn bỏ ra 1 có thể lời tới 4 lần. Tuy nhiên, để tránh tình trạng cá thoát khỏi ao cần cải tạo ao kiên cố, có thể dùng tôn dựng dọc bờ ao. Với diện tích nuôi 2.500m2, chi phí cá giống khoảng 70 triệu đồng (700 ngàn đồng/kg), sau thời gian nuôi 2 năm, người nuôi thu hoạch được 900 kg, lợi nhuận trên 100 triệu đồng/vụ nuôi. Mật độ nuôi 1 con cần 2,5 – 3m2, tiêu tốn thức ăn 09 – 10 kg/kg tăng trọng (sử dụng thức ăn tươi sống, thường là cá, tôm, ốc băm nhỏ…). Cá chình là loài cá dễ nuôi, ít bệnh. Cá chình được cho ăn ngày 2 lần, sáng và chiều, sử dụng sàn để cho cá ăn, chứ không rải trực tiếp xuống ao và để lượng thức ăn vừa đủ từng độ tuổi của cá. Người nuôi thường xuyên quan sát nếu thấy lượng thức ăn còn nhiều hay ít thì giảm thức ăn cho phù hợp, tránh dư thừa thức ăn gây lãng phí. Trong thời gian nuôi cần xử lí nước trong ao, hoặc sang ao, thay nước ao 1 năm 1 lần vào khoảng tháng 8 và tháng 9, bơm nước trong ao ra còn khoảng 1/3 lượng nước và bơm nước mới vào. Bà con có thể thu hoạch tùy vào thời điểm và trọng lượng của cá để bán. Hiện nay, giá cá chình thịt bán cho thương lái dao động từ 400.000 – 500.000 đồng/kg. Trên thế giới, giá cá chình từ 60 – 100 USD/kg. Cá chình được nhiều nước ưa chuộng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia. Riêng ở Nhật Bản, mỗi năm phải nhập thêm hàng chục tấn cá chình.
Nuôi cá chình đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này ra khắp cả nước đòi hỏi phải có sự quy hoạch vùng nuôi, ổn định đầu ra cho người dân. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sinh sản nhân tạo con giống cá chình bởi hiện nay nguồn giống không ổn định, giá thành cao, chủ yếu dựa vào nguồn con giống tự nhiên.
>> Trên thế giới có tới 20 loài cá chình. Riêng ở Việt Nam, một số loài cá chình có giá trị cao như: chình mun, chình bông, chình nhọn… Kích cỡ các loài là khác nhau, có con dài tới hơn 1m và nặng cả chục kg.
Anh Vũ