Đã nhiều tháng qua, ngư dân Quỳnh Lưu (Nghệ An) đang phải gồng mình gánh lỗ với những chuyến biển mất mùa. Mặc dù chuyện mất mùa đã không còn quá xa lạ với ngư dân đi biển nhưng chưa có năm nào biển “khát” cá như 2 năm trở lại đây.
Tìm về cảng Lạch Quèn xã Tiến Thủy những ngày này mới cảm nhận hết được không khí vắng lặng ở nơi đây. Khác hẳn với khung cảnh tất nập, nhộn nhịp của các phương tiện tàu thuyền ra bến vào cảng trước đây là hình ảnh những chiếc tàu đang nằm chòng chành lặng lẽ giữa cảng.
Những tháng gần đây nghề khai thác thủy hải sản không đạt hiệu quả, tiền chi phí cho mỗi chuyến biển khá cao mà thu nhập không đủ bù chi phí là nguyên nhân khiến tàu nằm bờ, nhiều lao động bỏ nghề đi tìm việc mới.
Là người đã gắn bó với nghề biển gần 20 năm, anh Bùi Quang Luyến – chủ tàu cá 93684NA ở thôn Thành Tiến, xã Tiến Thủy chia sẻ: “Cả tháng nay thuyền thiếu người, vận động bạn thuyền mãi nhưng vì nghề biển năm nay mất mùa không có thu nhập để chia cho anh em nên cũng đành chịu. Câu kéo thế này chắc phải bán tàu sớm để trả nợ ngân hàng, chứ tàu nằm bờ cả tháng trời xót xa lắm”.
Tàu nằm bờ trên bến lạch Quèn
Qua trao đổi được biết tàu của anh Luyến đã phải nằm bờ hơn 1 tháng nay vì không có lao động. Chỉ tính riêng cho 1 chuyến biển, tàu anh phải bỏ ra khoảng 70 triệu đồng mua dầu mỡ, đá lạnh, nhu yếu phẩm và các vật tư phục vụ cho việc đánh bắt. Nhưng từ đầu vụ cá đến nay thu nhập từ nghề khai thác đã không đủ để chi trả cho 14 lao động của tàu mình. Thế nên, các bạn thuyền cũng đã lần lượt xin nghỉ việc. Con tàu trị giá hơn 3 tỷ đồng của anh phần lớn vốn vay ngân hàng, tiền lãi mỗi tháng vẫn phải nộp đúng hạn làm cho gia đình anh rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Nhiều khay đựng sản phẩm trở nên ế ẩm.
Biển mất mùa, ngư dân không có thu nhập đã kéo theo dịch vụ hậu cần trên bờ phải cùng chịu chung hoàn cảnh, các ốt kinh doanh xăng dầu, đá lạnh, vật tư hải sản nhiều tháng nay không thu được nợ. Mọi hoạt động kinh doanh đều bị đình trệ, các kho thu mua đông lạnh phải tạm ngưng hoạt động vì không có hàng cấp đông. Vì thế, công nhân cũng phải nghỉ việc tạm thời.
Ông Bùi Ngọc Kỳ chủ cửa hàng kinh doanh vật tư hải sản ở thôn Phúc Thành, xã Tiến Thủy buồn rầu nói: “Dân biển sống dựa vào nghề đánh bắt nhưng chưa thấy năm nào biển mất mùa kéo dài như năm nay. Ngư dân không đánh bắt được nên việc kinh doanh ngày càng khó khăn, chỉ mong sao đợt trăng này biển có thêm con cá giúp ngư dân có thêm thu nhập, việc kinh doanh cũng được trôi chảy”.
Không chỉ riêng xã Tiến Thủy mà các xã vùng biển của huyện Quỳnh Lưu như Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Long, Sơn Hải… có chung tình trạng như vậy.
Hiện nay, toàn huyện Quỳnh Lưu có 1.272 tàu thuyền với tổng công suất 250.020 CV, trong đó tàu có công suất trên 400 CV có 256 chiếc. Năm 2014, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân của cấp trên, huyện Quỳnh Lưu cũng đã động viên bà con ngư dân đầu tư đóng mới 95 tàu, thải loại 32 tàu công suất nhỏ, không đảm bảo an toàn, đưa tổng số đội tàu khai thác xa bờ của huyện nhà lên 662 chiếc.
Trước tình hình mất mùa cá như hiện nay, thiết nghĩ các cấp lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu có thêm nhiều chủ trương chính sách phù hợp để giúp cho ngư dân trong huyện yên tâm bám biển, giữ vững nghề truyền thống của cha ông.