Tại hộ ông Trần Văn Quân (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), từ năm 2001, ông được giao nhận khoán 6,7ha đất rừng phòng hộ. Được sự hướng dẫn của lực lượng kiểm lâm, ông Quân tỉa dọn cành, nhánh, điều tiết nước phù hợp với mật độ và diện tích rừng được giao. Sau đó ông nuôi tôm, cua nhằm kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Do mật độ rừng còn thưa nên các loài thủy sản có môi trường sinh trưởng tốt, ít mang mầm bệnh, do vậy, ông Quân thu lợi nhuận khá cao. “Mỗi năm gia đình tôi thu hơn 200 triệu đồng/năm từ mô hình tôm – cua – rừng kết hợp. Nhờ đó, vợ chồng ông có điều kiện sửa sang nhà cửa, lo cho con ăn học đến nơi đến chốn” – ông Quân cho hay.
Gắn bó với 7 ha rừng phòng hộ ven biển Bạc Liêu hơn 18 năm qua, gia đình ông Lý Ngọc Nhiều, ở ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình đã có cuộc sống khá giả từ việc nuôi tôm, cua, cá, hàng năm cho thu nhập mấy trăm triệu đồng.
Mô hình tôm – rừng của hộ ông Lý Ngọc Nhiều Ảnh: Ngọc Oanh
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Trường (ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình), khi nhận 3 ha rừng phòng hộ, ông Trường đã áp dụng mô hình nuôi tôm – cua dưới tán rừng. Mỗi năm, ông thả nuôi tôm, cua hai đợt. Sau khi cải tạo và cho nước vào, ông Trường thả nuôi 100.000 con tôm sú giống và 50.000 con cua biển giống. Cứ 2 tháng anh Trường thả tôm, cua giống gối đầu. Mỗi lần thả sau lại giảm số tôm, cua giống xuống. Sau 3 tháng nuôi, ông thu tỉa tôm, cua lớn để bán. Mỗi năm, trừ tất cả chi phí, ông Trường còn lãi trên 100 triệu đồng.
Gia đình ông Nguyễn Văn Gọt, ở ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình được Chi cục Kiểm lâm Bạc Liêu giao khoán 5 ha rừng phòng hộ ven biển từ năm 2002 đến nay. Ông Gọt được phép đào mương, bao bờ xung quanh để nuôi các loài thủy sản với diện tích từ 30 – 40%, còn lại 60 – 70% diện tích ông có nghĩa vụ bảo vệ và phát triển cây rừng, đảm bảo mật độ 10.000 cây/ha. Với diện tích được giao khoán đó, gia đình ông đã tận dụng tối đa diện tích mặt nước để nuôi các loài thủy sản như tôm, cua, cá, mỗi năm có thu nhập gần 200 triệu đồng. Riêng từ Tết Nguyên đán 2015 đến nay, gia đình ông có thu nhập gần 100 triệu đồng.
Được biết, mô hình tôm – cua – rừng hay mô hình tôm – lúa là hai trong những mô hình tiêu biểu được Bộ NN&PTNT khuyến khích nông dân áp dụng. Mô hình này đã tạo nên bước đột phá mới, phù hợp trước biến đổi khí hậu, cho người nuôi thu nhập ổn định.