Thủy sản Đan Mạch: Chuyển động đúng hướng

Chưa có đánh giá về bài viết

Nghiên cứu, cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc và bảo tồn nguồn lợi biển, kiểm soát chất lượng là những trọng tâm trong chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ Đan Mạch.

Sạch từ trang trại tới bàn ăn

Nhiệm vụ quản lý toàn bộ chuỗi từ trang trại tới bàn ăn được Chính phủ Đan Mạch giao cho Cục Quản lý Thực phẩm và Thú y Đan Mạch (DVFA), trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Thực phẩm Đan Mạch. DVFA có 5 phòng kiểm nghiệm. Trong đó có một phòng kiểm nghiệm quốc gia về kim loại nặng với trang thiết bị đồng bộ và hiện đại. Phòng kiểm nghiệm này được đánh giá đạt chuẩn ISO/IEC 17025 và tham gia thử nghiệm thành thạo với các Phòng kiểm nghiệm tham chiếu của EU, được các đoàn thanh tra EU đánh giá cao. Hiện, Đan Mạch đã tiến hành đánh giá nguy cơ đối với hầu hết các sản phẩm và chia thành 6 nhóm sản phẩm theo nguy cơ khác nhau, từ đó mức độ kiểm tra giám sát được áp dụng tương ứng theo mức nguy cơ. Nhóm có nguy cơ cao nhất là các cơ sở giết mổ, thủy sản được kiểm tra tối đa 5 lần/năm; tần suất kiểm tra thấp nhất là các cơ sở bán buôn thực phẩm, kiểm tra 2 năm/lần.

DVFA phân nhóm các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản, gồm nhà máy chế biến, tàu cá và các cơ sở sản xuất nhuyễn thể hai mảnh vỏ sống. Tần suất kiểm tra nhà máy chế biến 2 – 5 lần/năm; các tàu cá được kiểm tra với tần suất 1 năm/lần. DVFA kiểm soát cơ sở sản xuất nhuyễn thể hai mảnh vỏ bằng Chương trình giám sát nhuyễn thể dựa trên quy định của EU. Việc lấy mẫu và chi phí phân tích mẫu  do ngư dân, cơ sở nuôi đảm nhiệm. DVFA chỉ kiểm tra lại việc thực hiện của ngư dân và lấy một số mẫu để phân tích thẩm tra (100 mẫu/năm). Trung bình DVFA thực hiện kiểm tra, giám sát khoảng 5% tổng số cơ sở /năm, lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu ATTP (Salmonella, E. coli, Campylobacter) đối với các cơ sở sản xuất ban đầu, cơ sở chế biến, cơ sở kinh doanh (bán buôn, bán lẻ), nhà hàng ăn uống… Các cơ sở sản xuất kinh doanh đều phải đăng ký với DVFA trước khi tiêu thụ sản phẩm, người sản xuất được hướng dẫn áp dụng GlobalGAP, áp dụng nông nghiệp hữu cơ. Các nhà hàng kinh doanh thực phẩm đều được kiểm tra, làm cơ sở cấp chứng nhận vệ sinh ATTP. Người tiêu dùng được hướng dẫn về kiến thức vệ sinh, ATTP thông qua các hoạt động truyền thông, phát tờ rơi… Rõ ràng, việc kiểm soát ATTP tại Đan Mạch được thực hiện khá bài bản, hiệu quả.

Ngư dân Đan Mạch khai thác thủy sản – Ảnh: Worldfishing

 

Bảo tồn nguồn lợi

Nhiều năm trước, Chính phủ Đan Mạch đã chú trọng nghiên cứu nguồn lợi, cách thức khai thác và bảo tồn. Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu nguồn lợi quốc gia Đan Mạch – DTU Aqua phát hiện 515 loài thủy hải sản đang có nguy cơ di cư tới vùng biển Northeast Passage do nhiệt độ nước biển đang tăng. Dự báo tới năm 2050, cá sẽ di chuyển toàn bộ tới vùng biển Northeast Passage. DTU Aqua tạo ra các thiết bị dự báo trữ lượng tương đối giữa các loài cá lớn và cá nhỏ ở những khu vực khác nhau. Từ những nghiên cứu trên, Chính phủ đặt ra trọng tâm bảo tồn nguồn lợi bền vững cho tương lai, và cách thức kiểm soát nguồn lợi thủy sản của Đan Mạch, đặc biệt ở những khu vực nhiều tàu bè khai thác. Đan Mạch đã trải qua cuộc cách mạng hóa ngành thủy sản từ năm 1848 – sáng kiến của ngư dân thời đó. Dụng cụ khai thác thô sơ khiến ngư dân khó bám trụ, đời sống bấp bênh. Tới nay, Đan Mạch không ngừng cố gắng cải tạo ngư cụ khai thác hiện đại, đảm bảo tiêu chí khai thác tốt nhưng phải giảm thiểu được sản lượng không mong muốn. Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Thực phẩm Đan Mạch khẳng định đây là yếu tố quan trọng nhất trong khâu chế tạo ngư cụ khai thác cho ngư dân.

DTU Aqua cũng kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội Ngư dân Đan Mạch, tìm ra ngư cụ khai thác thủy sản giảm tác động lên đáy biển và hệ sinh thái. Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và Thực phẩm cũng thiết lập 6 khu bảo tồn biển mới ở vùng Kattegat để bảo vệ các loài thủy sản đáy bởi phải mất vài năm môi trường sống của các sinh vật đáy mới được phục hồi sau khi lưới kéo đáy đi qua.

 

Truy xuất nguồn gốc

Đan Mạch luôn nỗ lực cải thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc tại cảng và toàn chuỗi cung cấp. Quốc gia này đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử (SIF) từ năm 2011, có khả năng truy xuất toàn bộ chuỗi cung cấp thủy sản của Đan Mạch. Hệ thống này có thể tích hợp dữ liệu của 100.000 tấn thủy sản bán tại Đan Mạch. 4 trung tâm đấu giá thủy sản Đan Mạch, nhiều nhà cung cấp, chế biến, kinh doanh có tiếng tại Đan Mạch cùng 4.000 cửa hàng bán lẻ cũng đang sử dụng hệ thống truy xuất điện tử trực tuyến.  

Dưới hệ thống SIF, các bên tham gia xuyên suốt chuỗi cung cấp sẽ phải nhập thông tin bằng một phần mềm điện tử. Họ cũng có thể truy cập được dữ liệu này. Dữ liệu được truy xuất thông qua mã vạch hoặc số lot của lô hàng. Những thông tin được cập nhật liên tục và chi tiết từ lúc khai thác, thu hoạch, phân loại, đóng gói và bán sản phẩm. SIF cũng lập một sàn giao dịch riêng, cung cấp thông tin marketing, thông tin về chứng nhận mà nhà bán lẻ sử dụng để chứng minh xuất xứ của sản phẩm.

Ngành thủy sản chiếm tỷ lệ 0,5% trong toàn bộ thành phần kinh tế, nhưng Đan Mạch lại là nước xuất khẩu cá lớn thứ 5 trên thế giới.

Lực lượng tham gia ngành thủy sản xấp xỉ 20.000 người.

– Các đội tàu khai thác ở Đan Mạch hoạt động theo chế độ dân chủ kinh tế, toàn bộ giá trị của lượng khai thác được chia đều cho mọi thành viên trên tàu.

Vũ Đức

Adrian Tatum

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!