Với đường bờ biển dài 21 km, vùng bãi triều rộng trên 5.500 ha, trên 2.900 ha rừng ngập mặn, diện tích mặt biển trên 12.000 ha cùng nguồn lợi thủy, hải sản tự nhiên phong phú… huyện Đầm Hà đã tận dụng thế mạnh tự nhiên để phát huy trong hoạt động thủy sản.
Theo Phòng Kinh tế huyện, đến nay, tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) toàn huyện đạt khoảng 300 ha, tập trung ở chủ yếu các xã Tân Bình (112 ha), Đại Bình (21,6 ha), Tân Lập (31,1 ha)… Mô hình nuôi tôm cho năng suất đạt 6 – 8 tấn/ha/vụ, mức chi phí đầu tư khoảng 900 triệu đồng/ha, bình quân mỗi năm hộ gia đình có thể lãi khoảng 400 triệu đồng/ha. Ngoài ra, mô hình nuôi cá nước ngọt (cá rô phi đơn tính, cá rô đầu vuông), năng suất đạt 8 – 10 tấn/ha, chi phí đầu tư 100 triệu đồng/ha, lãi bình quân 40 triệu đồng/ha/năm; mô hình nuôi cá lồng bè (cá song, cá vược, cá hồng, cá giò) cho năng suất 300 kg/ô lồng, chi phí đầu tư 20 triệu đồng/ô lồng, lãi bình quân 80 triệu đồng/ô lồng đối với cá song, 35 – 40 triệu đồng/ô lồng đối với cá hồng, cá vược, cá giò…
Mô hình nuôi tôm cho năng suất đạt 6 – 8 tấn/ha/vụ
Cùng đó, Trung tâm Sản xuất Giống công nghệ cao và nuôi thực nghiệm Giống hải sản Quảng Ninh được xây dựng tại xã Tân Bình đang trong quá trình hoàn thiện. Trung tâm có tổng diện tích 126 ha, chia ra làm 3 khu (trong đó, 2 khu đã đi vào sản xuất, 1 khu đang trong quá trình cải tạo), mỗi năm dự kiến cung ứng trên 10 triệu con giống và đáp ứng một lượng lớn tôm thương phẩm ra thị trường.
Theo định hướng phát triển thủy sản giai đoạn 2015 – 2020, huyện sẽ tập trung xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển tổng thể với việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ hậu cần cho các khu nuôi trồng; ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất…