Từ thổ nhưỡng thuận lợi và kinh nghiệm sẵn có, nông dân xã Phú Thuận đang phục hồi, mở rộng vùng nuôi tôm càng xanh 502 ha, trở thành vùng chuyên canh lúa – tôm lớn nhất tỉnh.
Mô hình nuôi tôm phát sinh từ năm 1999, sau đó mở rộng đến hàng ngàn ha, “lấn sang” xã Vĩnh Chánh lân cận. Thấy làm ăn hiệu quả, dự án lúa – tôm ra đời, nhưng sau đó lại không triển khai được nên nông dân tự “xé rào” thực hiện từ 300 đến 400 ha. Từ đây, nhiều người phất lên giàu có, biến con rạch So Đủa chết danh kênh lúa – tôm. Dự toán kinh phí cho dự án lúa – tôm là 32,5 tỷ đồng, trong đó nguồn đầu tư của huyện 24,5 tỷ đồng, vận động Nhân dân tham gia khoảng 8 tỷ đồng. Huyện đang kêu gọi đối tác cùng tham gia thực hiện và đăng ký dự án phát triển thủy sản (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) để hỗ trợ thêm nguồn vốn. Hiện, tỉnh và huyện đầu tư 10 tỷ đồng thực hiện việc bồi hoàn, mở rộng, nâng cấp lộ giao thông kết hợp đê bao khép kín các tuyến kênh Lung Xẻo, kênh Bô, So Đủa…
Ông Lô với diện tích tôm vừa thả nuôi
Xã Phú Thuận có tổng diện tích trồng lúa 2.468 ha, nhưng qua thực tế sản xuất, địa phương xác định nuôi tôm, cá và các mô hình sản xuất phi nông nghiệp là thế mạnh nên đã quy hoạch gần một nửa diện tích để phát triển mũi nhọn kinh tế này. Chủ tịch UBND xã Phú Thuận Phùng Duy Nam cho biết “Mô hình lúa-tôm đang thực hiện nằm trọn ở ấp Phú Tây (cặp kênh So Đủa) và một phần diện tích của ấp Hòa Tây B (kênh Bô) có nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ. Năm 2014, một số hộ nuôi tôm phất lên nhưng phần nhiều thất mùa. Thực hiện chỉ đạo của huyện về quy hoạch, phát triển vùng kinh tế lúa – tôm, địa phương đang cho phát hoang, giải tỏa, di dời vật cản trên các tuyến nằm trong dự án, đồng thời vận động bà con trong vùng đầu tư sản xuất lúa-tôm kết hợp hoặc chuyên canh tôm. Chúng tôi đang xin ý kiến cấp trên để thực hiện việc hoán đổi diện tích giữa các hộ trong và ngoài vùng dự án để từng bước tiến tới hoàn thành vùng sản xuất 502 ha tôm theo kế hoạch”.
Xã Phú Thuận đang thả nuôi 213,5 ha tôm càng xanh, đạt gần 83% kế hoạch (tăng 26 ha so cùng kỳ), trong đó có 55,2 ha tôm toàn đực; 13 ha thu hoạch tôm trái vụ, năng suất 0,8 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/ha. Địa phương phối hợp ngành chức năng đang chỉnh trang, đầu tư và quy hoạch lại đê bao, nguồn nước, con giống, kỹ thuật canh tác, tìm đầu ra… cho con tôm. “Nếu thuận lợi về giá cả, con giống, nguồn nước, nhất là có điện vào tới đây, dù không khuyến khích, nông dân cũng sẽ bỏ lúa theo tôm”- ông tư Lô tâm sự. Ông cho biết: “Để nuôi tôm hiệu quả, trước hết phải làm đồng cho thật sạch, bón vôi, xử lý côn trùng có hại, sau đó chọn giống (tôm toàn đực) thả nuôi, thường xuyên kiểm tra, sau 6 tháng là chắc ăn. Tuy nhiên, yếu tố quyết định đến thắng lợi của mô hình lúa -tôm là nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch của ngành Nông nghiệp, nếu sản xuất ồ ạt, thiếu tính đồng bộ sẽ không mang lại hiệu quả, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất chung”. Theo tính toán, 1 héc-ta thả nuôi khoảng 100.000 – 120.000 con tôm, sau 6 tháng cho năng suất từ 1,3 – 1,4 tấn, trừ các khoản chi phí, người nuôi có thu nhập từ 110 – 130 triệu đồng.
>> Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn Phan Thanh Tùng cho biết: “Mô hình lúa – tôm được nông dân xã Phú Thuận thực hiện từ nhiều năm nay, trong đó nhiều người giàu kinh nghiệm đã giàu lên. Song, đa phần người nuôi tự phát, thiếu kết nối, thiếu sự đầu tư đồng bộ và còn thiếu vốn sản xuất nên vẫn có người thất bại. Chúng tôi đang phối hợp Trung tâm Giống thủy sản tỉnh để được hỗ trợ kỹ thuật, bảo đảm nguồn giống, đồng thời tìm đầu ra có lợi nhất và kêu gọi các thành phần trong và ngoài huyện, ngoài tỉnh cùng tham gia dự án. |