Từ đầu vụ thả tôm, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do nắng nóng kéo dài, dẫn đến hiện tượng tôm suy dinh dưỡng, chậm lớn, dịch bệnh xảy ra…
Tính từ đầu vụ 1 năm nay, toàn tỉnh Nghệ An có 138,5/1.263 ha diện tích nuôi tôm có biểu hiện bệnh. So với các năm, hiện tượng nhiễm bệnh đường ruột chủ yếu là bệnh phân trắng và rỗng ruột trên tôm xuất hiện khá sớm và diễn biến phức tạp xảy ra tại nhiều hộ nuôi thuộc các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, thị xã Hoàng Mai và thành phố Vinh. Nguyên nhân, do thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi. Mặt khác, người dân chưa quản lý tốt vùng nuôi. Cùng đó, công tác giống còn nhiều bất cập, nhiều trường hợp thả nuôi trực tiếp không qua ương gièo và sử dụng con giống không rõ nguồn gốc cũng như chất lượng đàn tôm bố mẹ.
Kiểm tra tôm nuôi tại huyện Diễn Châu
Ông Hồ Sỹ Kiếm, chủ hộ nuôi tôm tại xóm 14, xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu chia sẻ, trong vụ 1 có tới 90% tôm giống thả nuôi bị chết, phần tôm còn lại dù cho ăn nhiều nhưng tôm vẫn chậm lớn. Ngoài ra, giá tôm thương phẩm cũng giảm so với mọi năm. Như phản ánh của đại diện Công ty TNHH Hải Tuấn (tại huyện Diễn Châu), Công ty vừa tiến hành thu tôm vụ 1, sản lượng khoảng 7 – 10 tấn/ha, giá 125.000 đồng/kg loại tôm cỡ 70 con/kg, thấp hơn trung bình năm trước xấp xỉ 100.000 đồng/kg.
Thu hoạch tôm ở Công ty TNHH Hải Tuấn
Để hạn chế tình trạng này, các cấp, ngành địa phương cần tăng cường hơn nữa các giải pháp để phòng chống dịch bệnh, nhằm giảm thiểu thiệt hại và tạo điều kiện cho người nuôi yên tâm sản xuất.