Cứu tinh của cá hiếm

Chưa có đánh giá về bài viết

Gần 20 năm qua, một người con của miệt vườn đã sống trọn với đam mê thuần dưỡng, lai tạo, phục hồi các giống cá hiếm của vùng sông nước Cửu Long.

Thạc sĩ Thi Thanh Vinh và con cá hô do anh lai tạo – Ảnh: Tấn Đức

“Alô, chú Vinh phải không, xuống nhà chú Ba ở ngã tư Cái Bè bắt cá hô nghen. Tui quyết định để lại cho mấy chú đó!”.

 

Thạc sĩ cá hô

Thạc sĩ Thi Thanh Vinh – trưởng bộ môn sản xuất giống và công nghệ nuôi Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ (gọi tắt là trung tâm), đặt tại ấp 2, xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang, thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Bộ NN&PTNT – nhớ lại câu chuyện cách nay hơn 10 năm.

Ngày đó, anh và các đồng nghiệp chia nhau đi lùng mua cá hô mang về thuần dưỡng, tìm cách nhân giống để bảo tồn loài “cá vua” đang đứng bên bờ tuyệt chủng. Qua một người bạn, Vinh biết một lão nông ở gần ngã tư Cái Bè tình cờ bắt được cặp cá hô trên sông mang về nuôi.

Cặp cá lớn nhanh, chỉ một thời gian ngắn đã to cỡ bắp chân người lớn, chừng 5 – 6 kg/con. Mấy lần đến nhà ông lão tỉ tê thuyết phục nhượng lại, Vinh đều nhận được cái lắc đầu. Khi lũ đầu mùa từ thượng nguồn đổ về, bất ngờ một trong hai con cá bị bệnh chết, con còn lại lừ đừ hẳn đi. Ông lão tiếc hùi hụi, đành nhấc điện thoại gọi.

Sau khi thương lượng, trung tâm đã chi số tiền tương đương một chỉ vàng (lúc ấy khoảng 430.000 đồng/chỉ) để mang con cá về. “Giá trị bất ngờ của con cá càng làm tôi nung nấu quyết tâm thực hiện nhanh việc nhân nuôi để vừa bảo tồn loài thủy sản nước ngọt quý hiếm này, vừa giúp tăng thu nhập cho bà con” – Vinh kể.

Vậy là từ năm 2005, tuổi thanh niên rừng rực của Vinh (sinh năm 1970) dồn hết sức cho đề tài thạc sĩ “Một số đặc điểm sinh học và thử nghiệm nghiên cứu sinh sản cá hô”. Hết miệt mài rong ruổi khắp các làng nghề đánh bắt cá hô – dù chỉ còn trong ký ức – ở Châu Phú, Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp) tìm mua cá bố mẹ mang về thuần dưỡng và gặp gỡ các ngư dân chuyên đánh lưới cá hô để tìm hiểu thêm tập tính của cá, Vinh lại giam mình tại trung tâm để theo dõi kết quả quá trình sinh sản và tăng trưởng của cá.

May mắn cho anh là cùng lúc này, trung tâm đang tiến hành dự án “Thuần dưỡng, tái tạo và phát triển cá hô” do thạc sĩ Huỳnh Hữu Ngãi cùng một số kỹ sư, cử nhân thực hiện. Đó là đề tài rộng, bao quát hơn, còn đề tài thạc sĩ của Vinh đòi hỏi phải đưa ra một đáp án cụ thể và hiệu quả nhất cho bài toán sản xuất giống và nuôi cá hô thương phẩm. Sau ba năm “ăn, ngủ” với cá hô, tháng 6-2008, Thi Thanh Vinh đã bảo vệ xuất sắc đề tài thạc sĩ tại Đại học Cần Thơ.

Thu hoạch cá hô tại xã Tân Hưng, huyện Cái Bè – Ảnh: Tấn Đức

 

Từ ao nuôi ra nhà hàng

Nay Vinh đã trở thành “chuyên gia” cá hô, anh có thể nói hàng giờ về loài “cá vua” này. Chẳng hạn như tập tính cơ bản nhưng không phải ai cũng biết: cá hô chỉ ăn trong ao đất, nếu thả vào bể ximăng thì nó kiên quyết “tuyệt thực”. Vì thế, cá hô không thể nuôi trong bồn làm kiểng được. Tập tính quan trọng thứ hai: nếu yêu cầu về dòng chảy, độ sâu, chất lượng nước… không đáp ứng được thì cá sẽ ôm trứng mãi trong bụng chứ không chịu đẻ!

Từ khi bảo vệ xong đề tài (năm 2008) đến nay, cùng với các cán bộ kỹ thuật của trung tâm, Vinh đã cho ra đời hàng trăm ngàn con cá hô giống và chuyển giao kỹ thuật nuôi cho nhiều ngư dân từ An Giang, Đồng Tháp qua Bạc Liêu, Hậu Giang, lên tận Đồng Nai và đang chuẩn bị đưa ra nuôi thử nghiệm ở một số tỉnh phía Bắc.

Tại xã Tân Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) có một cơ sở chuyên sản xuất cá hô giống và mua cá thịt để cung ứng cho nhà hàng. Anh Hai, kỹ thuật viên chăm sóc cá tại đây, cho biết: “Gần đây có nhiều người ở các tỉnh xa tìm đến hỏi kỹ thuật nuôi và mua con giống về nuôi thử, dù giá cá hô giống, quy cách khoảng 5 gr/con, lòng (chiều cao đo tại bụng) một phân, có giá khá cao, dao động khoảng 8.000 – 10.000 đồng/con. Bù lại, cá nuôi tăng trọng nhanh, khoảng 2 – 3 kg/năm, giá mua cũng khá cao và ổn định, khoảng 200.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ, thời điểm”.

Thi thoảng những chiếc xe tải nhỏ từ TP.HCM và các tỉnh về đây nhận hàng, cho từng con vào túi nilông cỡ lớn, cột chặt, bơm oxy chở đi tiêu thụ. Anh Nguyễn, chủ cơ sở kinh doanh thủy sản từ TP.HCM xuống nhận hàng, cho biết: “Vài năm trở lại đây, khi cá hô được ương nuôi thành công thì nguồn cá tương đối ổn định, chứ trước thì năm khi mười họa mới có, tùy theo rủi may của ngư dân đánh bắt miệt đầu nguồn sông Cửu Long. Dân “biết ăn” mừng lắm, mà tụi tôi cũng tìm được chút sở hụi”.

Cá hô nuôi về tới các nhà hàng ở TP.HCM giá vẫn còn khá cao do chi phí vận chuyển và tỉ lệ hao hụt (chết) khi đi đường dài. “Từng phần trên mình cá cũng có giá trị khác nhau. Một cái đầu cá (phần ngon nhất) còn sống nặng cỡ nửa ký, qua chế biến lên tới 500.000 đồng là thường, trong khi phần đuôi của con chết có khi giá chỉ bằng một nửa” – anh Nguyễn giải thích.

 

Chưa dừng bước

Mới mấy hôm trước, khi chúng tôi có mặt tại trung tâm, đã hơn 22g Vinh vẫn còn miệt mài với báo cáo về kết quả thu được từ đề tài “Thuần dưỡng, tái tạo và phát triển cá trà sóc”. Công trình do Vinh làm chủ nhiệm, với sự tham gia của các thạc sĩ, kỹ sư của trung tâm: Huỳnh Hữu Ngãi, Đặng Văn Trường, Trịnh Quốc Trọng, Lê Minh Tuấn, Hà Thị Ngọc Nga và Lao Thanh Tùng. Đây cũng là loài cá có tên trong sách đỏ, thịt rất thơm ngon, hằng năm theo lũ thượng nguồn sông Mekong đổ về, ngư dân đánh bắt được trên sông Tiền với số lượng hạn chế.

Tuy to lớn, có con nặng tới hàng chục ký nhưng cá trà sóc rất “chết nhát” khi bắt lên khỏi mặt nước. “Anh em chúng tôi đã tiếp cận nhiều ngư dân ở An Giang, Đồng Tháp, hướng dẫn họ cách nhận biết và chăm sóc cá trà sóc mỗi khi đánh bắt được, chúng tôi sẽ đến tận nơi mua. Qua gần chục năm đi lại liên tục, trung tâm đã tậu được đàn cá trà sóc lên tới 78 con, trong đó có con nặng tới 11 – 12 kg. Số cá bố mẹ này đã được thuần dưỡng và sẽ sớm cho nhân ra cá giống thương phẩm” – Vinh cho hay.

Không chỉ dừng lại ở đó, gần 20 năm qua Vinh đã giúp nhiều loài cá quý hiếm khác trở lại tung tăng bơi lội trên sông nước miền Tây. Đặc biệt từ khi được giao phụ trách công việc bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản nước ngọt, anh đã góp tay cùng nhiều nhà khoa học đi trước và đồng nghiệp ở trung tâm bảo tồn, lưu giữ gen và tái tạo gần 30 loài cá nước ngọt quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như cá vồ cờ, vồ đém, duồng, bông lau…

Để tái tạo nguồn cá hô trong tự nhiên, Vinh cho biết trung tâm đã thả vào khu vực đầu nguồn sông Tiền, thuộc địa bàn Sở Thượng, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, hàng chục ngàn con cá hô giống. “Hi vọng trong tương lai, thế hệ sau sẽ lại đánh bắt được cá hô lớn hàng trăm ký ngoài thiên nhiên, điều mà trước đây chúng ta từng được hưởng” – anh hào hứng nói.

Tưởng có “duyên nợ” gì với các loài cá quý, nhưng bất ngờ nghe anh nói: “Tôi quê ở Chợ Lách, Bến Tre, dòng họ mấy đời làm vườn, có “dây mơ rễ má” gì với nghề cá đâu. Nhưng bắt tay vô làm rồi thì không dứt ra được”. Và người con của miệt vườn lại tiếp tục đam mê sản vật sông nước. Năm 2011 này là con cá trà sóc óng ả, thơm lựng.

Tiến sĩ Phạm Văn Khánh – nguyên giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt Nam bộ vừa nghỉ hưu, người có hơn 25 năm gắn bó với trung tâm – cho biết: “Vinh là người rất nhiệt tình, say mê học tập, cả lý thuyết lẫn thực tiễn. Từ một thanh niên tốt nghiệp trung cấp thủy sản, cậu ấy đã phấn đấu học lên đại học, rồi thạc sĩ, trở thành một trong những cán bộ nòng cốt của trung tâm trong công tác thuần hóa, tái tạo và phát triển các loài thủy sản nước ngọt quý hiếm, giá trị kinh tế cao, có khả năng phát triển”.

TẤN ĐỨC

Theo Tuổi Trẻ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!