Cá bống bớp sống ở vùng cửa sông lớn, thịt ngon và lành, có giá trị kinh tế cao, được người dân ở huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định đầu tư nuôi. Tuy nhiên, để phát triển bền vững cần đầu ra ổn định.
Bén duyên với cá
Nằm giữa hai con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy, với trên 20 km bờ biển, vùng bãi triều rộng lớn và giàu phù sa, vi sinh vật, vi khoáng núi đá vôi vô tận đã tạo cho huyện Nghĩa Hưng nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy, hải sản; đặc biệt thích hợp cho sự phát triển, sinh trưởng của cá bống bớp.
Cá bống bớp ban đầu là loài cá nước mặn, được đánh bắt tự nhiên ngoài biển, nhưng đã “bén duyên” và gắn bó trong “ao nhà” ở vùng đất Nghĩa Hưng từ hơn 20 năm trước, khi ngư dân bắt được cá bé sau mỗi chuyến ra khơi đã gom lại nuôi trong ao. Với đặc tính khỏe, dễ nuôi, được thị trường ưa chuộng nên cá bống bớp nhanh chóng được người nuôi thủy sản vùng mặn lợ đưa vào nuôi đại trà ở một số xã của huyện Nghĩa Hưng như Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Hải, Nông trường Rạng Đông… Ông Lã Ngọc Ba, người nuôi cá bống bớp ngay từ những ngày đầu cá từ vùng biển “về” với người dân, cho biết: “Nghề nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng khởi phát từ xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng trước những năm 90. Mặc dù điều kiện tưới tiêu ở đây chưa được quy hoạch nhưng năng suất nuôi cá bống bớp đã rất khả quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do đó, diện tích nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng ngày càng được mở rộng. Hiện, giá cá bống bớp xuất bán tại đầm là 200 – 300 nghìn đồng/kg tùy theo kích cỡ. Với năng suất trung bình 4 – 4,5 tấn/ha, lãi suất bình quân đạt 250 – 300 triệu đồng/ha/năm”.
Nuôi cá bống bớp cho hiệu quả cao được nhiều địa phương nhân rộng – Ảnh: Thanh Ngân
Nổi tiếng về thương hiệu cá bống bớp ở Nghĩa Hưng, anh Nguyễn Văn Sơn ở khu 6, thị trấn Rạng Đông có cơ sở Sơn Nguyệt cho biết, thời gian đầu, người nuôi Nghĩa Hưng thường gặp khó khăn về nguồn giống. Nhưng đến nay, các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh đã chủ động nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo góp phần chủ động nguồn giống cho nuôi cá thương phẩm. Với quyết tâm phát triển bền vững nghề nuôi cá bống bớp, năm 2012, anh Sơn cũng đã đầu tư gần 1 tỷ đồng bắt tay xây dựng trại sản xuất giống cá bống bớp đầu tiên với diện tích rộng trên 1.000 m2 với 18 bể ương, có khả năng sản xuất 2 triệu con giống/năm. Để bảo đảm chất lượng con giống, anh Sơn mời đội ngũ kỹ sư thủy sản từ Hải Phòng về trực tiếp chuyển giao kỹ thuật nhân giống cá bống bớp. Đầu năm 2013, trại giống của anh Sơn đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị và ương giống cung ứng cho bà con trong vùng. Hiện nay, cơ sở anh Sơn đã sở hữu 3 trại sản xuất giống, với công suất 10 triệu con giống/năm, trong đó vụ mùa sản xuất từ 2 – 3 triệu con, vụ chiêm 6 – 7 triệu con.
Còn lo đầu ra
Hiện nay, cá bống bớp trở thành món ăn đặc sản, có giá trị dinh dưỡng cao, thịt ngọt, dai và thơm, nếu được giới thiệu và thị trường thế giới chấp nhận thì đây sẽ là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cá bống bớp Nghĩa Hưng mới chỉ phân phối được tại một số tỉnh thị trường nội địa và xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc.
Cơ sở của anh Sơn là một trong số ít đại lý thu gom tiêu thụ cá bống bớp trên địa bàn huyện. Anh Sơn chia sẻ: “Bống bớp là loài cá đặc biệt, khỏe, có khả năng nhịn đói dài ngày, có thể sống trong vòng 1 tuần mà không cần ăn, chỉ cần để ướt da, do đó rất thuận lợi trong việc vận chuyển tươi sống mà không cần cấp đông, ướp đá… như những loài cá khác. Hiện nay, cá được bán rất chạy ở các nhà hàng lớn tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hoá… với sản lượng tiêu thụ bình quân 5 – 8 tạ/ngày. Ngay cả thương lái Trung Quốc cũng rất ưa chuộng, do cá vẫn còn tươi sống khi đến tay người tiêu dùng, do đó, lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt tới 1 – 2,5 tấn/ngày”.
Anh Sơn cho biết thêm, thức ăn của bống bớp là cá tạp nên phải mua cá làm thức ăn với giá 7.000 – 17.000 đồng/kg. Do vậy, nếu như không bán được với mức giá 200.000 đồng/kg bống bớp thương phẩm, thì người dân sẽ bị lỗ.
Bống bớp là loài cá có nhiều tiềm năng của Nghĩa Hưng, nhưng hiện nay, việc tiêu thụ cá vẫn trên “sân nhà” và “sân hàng xóm”, chưa “thâm nhập” được vào chuỗi tiêu thụ hiện đại và xuất khẩu chính ngạch.
“Mong ước của tôi là các nước trên thế giới sẽ biết đến sản phẩm đặc sản của quê hương mình. Hiện nay, cũng có khách sạn ở Thái Lan ngỏ lời muốn mua cá bống bớp, nhưng tôi muốn mở rộng xuất khẩu theo con đường chính ngạch. Đầu tiên, tôi muốn xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường các nước ASEAN, sau đó là vươn xa ra các thị trường các nước khác trên thế giới” – anh Sơn thổ lộ.
>> Hiện có khoảng 300 hộ dân Nghĩa Hưng tham gia nuôi cá bống bớp, với diện tích khoảng 700 – 800 ha với tổng sản lượng ước đạt 2.000 – 2.500 tấn/năm. Huyện đã chủ động quy hoạch vùng nuôi, triển khai thành lập Hiệp hội nuôi cá bống bớp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho loài cá này. |
Cá giống bao nhiêu tiền một cân vậy ạ