Quảng Ngãi: Đóng giếng nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước đây, việc nuôi tôm thẻ chân trắng của người dân xã Bình Chánh huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) gặp nhiều bấp bênh, thường bị dịch bệnh gây hại do nguồn nước bị ô nhiễm. Nhiều hộ nuôi tôm ở địa phương lâm vào cảnh khó khăn. Trước thực tế này, hơn 2 năm gần đây các hộ nuôi tôm đã nghĩ ra cách đóng giếng lấy nước nuôi tôm chứ không dùng nguồn nước sông. Nhờ đó, tình hình nay đã khác.

Vùng nuôi tôm đồng Đá Bia, xã Bình Chánh những ngày cuối tháng 7/2015 không còn đìu hiu như trước nữa. Thay vào đó là quang cảnh rộn ràng, tất bật với công việc cho tôm ăn, bơm xả nước vào hồ, kiểm tra tôm vụ 2 vừa thả… của các chủ hồ. Hỏi ra mới biết, mấy vụ nuôi gần đây, nhiều hộ trúng lớn nên ai cũng theo dõi chăm chút, miệt mài với con tôm.

Chị Lê Thị Hạnh, 44 tuổi ở thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, người có gần 20 năm theo nghề nuôi tôm cho biết: Hai vợ chồng nuôi tôm từ khi mới lấy nhau. Thời đó, vụ được mùa vụ thất bát, có năm vợ chồng trắng tay. Ba năm liên tiếp từ 2010 đến 2012, vụ nuôi nào, tôm cũng bị dịch bệnh chết, do ô nhiễm nguồn nước, song vợ chồng chị vẫn luôn nuôi hy vọng cuộc sống sẽ khá lên từ con tôm.  Năm 2013, cán bộ kỹ thuật của Công ty C.P. Việt Nam cung ứng giống tôm chi nhánh tại Bình Định về kiểm tra nguồn nước thấy nước bị ô nhiễm nặng nên khuyến khích hai vợ chồng đóng giếng bơm nước vào hồ để nuôi tôm. Ban đầu hai vợ chồng còn lưỡng lự vì chưa thấy ai ở địa phương làm như vậy, nhưng vì mê tôm, mê nghề nên đánh liều làm thử. Vụ đầu tiên nuôi bằng nước giếng đóng, chạy mô tơ tôm không bị chết, lại cho năng suất cao, vợ chồng chị mạnh dạn đóng thêm 3 giếng nữa phục vụ cho các hồ còn lại. Hiện giờ vợ chồng chị nuôi 4 hồ, trên diện tích 12.000 m²; trong đó có 2 hồ phủ bạt. Hai năm 2013 – 2014, sau khi trừ chi phí xong gia đình chị có thu nhập gần 1 tỷ đồng. Riêng vụ đầu của năm 2015, vợ chồng chị thả nuôi 460.000 con giống trong 2 hồ bạt và 300.000 con giống trong 2 hồ đất, gia đình chị thu 8 tấn tôm bán được gần 1,1 tỷ đồng. Chị ký hợp đồng với Công ty C.P. cung ứng nguồn giống, nguồn thức ăn nên được Công ty bao tiêu luôn sản phẩm với giá cao hơn từ 20.000 đến 30.000 đồng/1 kg tôm so với các hộ nuôi khác ở địa phương. Hiện tại chị còn 3 tấn tôm chuẩn bị xuất bán, dự kiến sẽ cho thu nhập trên 400 triệu đồng. Vợ chồng chị cũng đã thả nuôi 50 vạn con tôm giống vụ 2 năm 2015.

Hay ông Trần Huệ, cũng ở thôn Mỹ Tân, trước đây từng trắng tay với nghề nuôi tôm, một phần do dịch bệnh, phần khác do thiên tai. Ông còn nhớ trận lũ lịch sử năm 2009, chỉ sau một đêm tất cả đồ đạc, vật dụng của gia đình bị lũ cuốn sạch, 5 hồ tôm sắp thu hoạch bị vỡ trôi hết thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Sang năm 2010, ông phải vay mượn khắp nơi từ bà con hàng xóm đến ngân hàng để có vốn đầu tu sửa lại hồ tiếp tục nghề nuôi tôm. Cả đời ông luôn theo đuổi nghề nuôi tôm, giờ đến hai người con của ông cũng theo nghề này, dù không trúng lớn nhưng năm nào ông cũng có thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng. Hai năm gần đây ông học hỏi cách đóng giếng bơm nước vào hồ để nuôi tôm thì hiệu quả càng tăng lên gấp bội. Hiện tại gia đình ông nuôi 5 hồ khoảng 15.000 m², vụ tôm đầu gia đình thu hơn 12 tấn tôm, bán được 1,2 tỷ đồng. Đây là vụ trúng đậm và cho nhập nhập cao nhất kể từ khi nuôi tôm đến nay của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản Bình Chánh huyện Bình Sơn cho biết: “Toàn xã có hơn 30 ha hồ nuôi tôm, trong đó tại đồng Đá Bia có 22,5 ha, song chỉ có khoảng 18 ha người dân đầu tư nuôi, số còn lại  chưa có điều kiện về nguồn vốn, một phần lo sợ thua lỗ nên không dám thả nuôi. Để hạn chế tình trạng tôm chết do ô nhiễm nguồn nước, mấy năm gần đây các hộ dân đã đầu tư kinh phí đóng giếng gần bờ sông để chạy mô tơ bơm vào hồ nuôi tôm. Các hộ dân làm như vậy tôm ít bị dịch bệnh và chết non, so với các hộ không đóng giếng mà vẫn dùng nguồn nước sông. Hiện tại có 7 hộ đầu tư đóng giếng bơm lấy nước nuôi tôm thì đều đem lại hiệu quả. Cứ bình quân 1 hồ có diện tích 3.000 m², thả nuôi với mật độ từ 80 đến 100 con/m² thì sau 3 tháng thu lãi khoảng từ 250 đến 300 triệu đồng/vụ. Mấy vụ gần đây hộ nuôi nào cũng thắng lợi có thu nhập trên dưới 1 tỷ đồng/năm, nên diện tích hộ nuôi được mở rộng và thực hiện các biện pháp đóng giếng, lót bạt để nuôi tôm. Trong vụ hai này nhân dân địa phương tiếp tục thả nuôi khoảng 20 ha, tôm thả nuôi sớm đã được 25 ngày tuổi.

>> “Để nghề nuôi tôm ở xã Bình Chánh đạt hiệu quả, ngoài việc trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, lựa chọn nguồn giống chất lượng, nguồn nước môi trường nuôi đảm bảo thì cần phải có nguồn vốn lớn và người nuôi phải mạnh dạn mới đem lại thành công” – Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản Bình Chánh, huyện Bình Sơn.

Nguyên Hương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!