Thị trường tôm quốc tế phục hồi mong manh

Chưa có đánh giá về bài viết

Một vài nguồn cung tôm chủ đạo của thế giới đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng thương mại tôm thế giới liệu có khả quan với sự nhập khẩu gia tăng tại các thị trường lớn hay không vẫn còn là điều các hãng kinh doanh không dám chắc.

Thị trường lớn bất ổn

Thị trường Mỹ vẫn được coi là miếng bánh ngon với nhiều nước sản xuất tôm trên thế giới, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ của thị trường này đã suy yếu từ đầu năm nay do lượng hàng dự trữ đông lạnh còn quá nhiều, hậu quả từ việc Mỹ ồ ạt nhập khẩu tôm với khối lượng lớn từ cuối năm ngoái. Nhu cầu tiêu thụ tôm trong năm nay tại thị trường EU và Nhật Bản cũng ảm đạm bởi suy thoái kinh tế.

Năm 2014, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới, với khối lượng 568.650 tấn, tăng 12% so cùng kỳ năm trước, 78% là tôm đông lạnh. Cũng trong năm 2014,  giá nhập khẩu tôm trung bình tăng 9% khiến tôm trở thành mặt hàng kinh doanh mang lại lợi nhuận cao. 3 tháng đầu năm là mùa chay, tiêu dùng tại Mỹ tăng vọt nên các hãng xuất khẩu đã ồ ạt nhập tôm từ cuối năm để kiếm lời. Nhưng 3 tháng đầu năm 2015, tình hình tiêu thụ tôm trái với kỳ vọng của nhiều hãng kinh doanh trước đó. Giá tôm sụt giảm, người tiêu dùng không còn mặn mà với tôm nhập khẩu. Nhiệt độ giảm thấp đột ngột khiến họ cũng hạn chế ra ngoài mua hàng, không khí kinh doanh tại các kênh bán lẻ trở nên ảm đạm.

Các nước xuất khẩu chưa nghĩ tới việc thị trường Mỹ quay lại thế cân bằng để giải phóng hết lượng hàng tồn, lấy đà phục hồi và phát triển dần. Tuy vậy, ngoại trừ Ecuador chuyển hướng sang châu Á, bỏ qua thị trường Mỹ, các nước cung cấp tôm còn lại đều coi đây là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, hiện tại thì tôm nuôi của Mỹ sản lượng thấp, giá thành cao hơn hẳn tôm nhập khẩu, chắc chắn không phải là sự lựa chọn lâu dài cho đại đa số người tiêu dùng tại thị trường này. 

Nhiều nước xuất khẩu tôm vẫn coi Mỹ là thị trường tiềm năng – Ảnh: Gulffishinfo.org

 

Chuyển hướng linh hoạt

EU và Nhật Bản trở nên kém hấp dẫn bởi khủng hoảng kinh tế đã làm tiền tệ của hai thị trường này suy yếu, kéo tiêu dùng hàng nhập khẩu xuống đáy. Tổng lượng tôm nhập khẩu của Nhật Bản đã giảm 15% từ năm 2014, còn 233.423 triệu tấn (theo Globefish). Từ tháng 8 tới tháng 10/2014, tiêu thụ tôm ở Nhật Bản dần cải thiện khi giá xuất khẩu tôm trên thị trường quốc tế lao dốc. Nhưng người dân Nhật vẫn phải mua tôm nhập khẩu với giá cao bởi đồng Yên mất giá so với đồng USD. Trước thực trạng đó, họ vẫn phải thắt chặt chi tiêu, càng khiến lượng hàng tồn trên thị trường tích tụ lại, chặn đứng dòng chảy của tôm nhập khẩu. Năm 2014, nhập khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến sẵn/giá trị gia tăng của Nhật Bản lần lượt giảm 13,3% và 20%. Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc đều thất thu tại thị trường này. Nhân cơ hội đó, tôm nước lạnh giá rẻ từ Argentina, Nga, Greenland tràn vào thị trường Nhật, thu hẹp thị phần tôm nước ấm châu Á. Khi không thể xuất ngoại, một số nước chọn đường quay về thị trường nội địa như tôm Bangladesh, tôm Trung Quốc hoặc tấn công các thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Singapore, Mexico. Tuy vậy, với các hãng chế biến và xuất khẩu, việc tấn công thị trường phi truyền thống chỉ được coi là giải pháp tạm thời.

Trong 5 nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, chỉ có Trung Quốc và Thái Lan sụt giảm lần lượt 14%, 21%; còn lại xuất khẩu tôm của Ấn Độ, Ecuador và Indonesia vẫn tiếp tục tăng 37%, 34% và 19%. Sự chuyển hướng đúng đắn của Ecuador sang thị trường châu Á đã cứu ngành tôm nước này trượt dài trong cơn khủng hoảng chung. Ấn Độ và Indonesia thận trọng phòng chống dịch bệnh, tự chủ từ con giống đến thức ăn nuôi tôm để có nguồn nguyên liệu ổn định. Nhờ đó, xuất khẩu tôm của hai nước này vẫn tiến triển khả quan.

Chọn lựa thị trường

Khủng hoảng bao trùm EU nhưng không vì thế mà thị trường này bị bỏ ngỏ. Các thị trường riêng lẻ như Đức, Pháp, Đan Mạch, Anh, Hà Lan, Italia, Tây Ban Nha vẫn là những điểm tiêu thụ tôm khá ổn. Nhập khẩu tôm của Tây Ban Nha tăng 4%, Hà Lan tăng 28%, Italia tăng 10%, Đức và Bỉ tăng 5%. EU cũng tiêu thụ nhiều tôm thẻ hơn, giảm hẳn lượng tôm sú nhập khẩu từ Bangladesh.

Tại châu Á, Hàn Quốc cũng trở thành một đích đến hứa hẹn khi nhâp khẩu tôm của nước này tăng 3,4% năm 2014, tương đương 63.000 tấn, chỉ dùng để phục vụ tiêu thụ nội địa. Việt Nam, Ecuador và Ấn Độ đang gia tăng xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc. Sau khi ký Hiệp định thương mại tự do song phương, cơ hội xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc rộng mở hơn.

Ngoài Hàn Quốc, Trung Quốc cũng trở thành thị trường hấp dẫn. Xuất khẩu tôm của nước này sụt giảm 13,6% nhưng nhập khẩu tăng 10%. Việt Nam hiện đang dẫn đầu nguồn cung tôm cho thị trường này, chủ yếu là các mặt hàng tôm chế biến nguyên con với nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Ecuador và Ấn Độ. Bên cạnh Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Iran cũng đang tìm cách thâm nhập thị trường Trung Quốc. Tại vành đai Thái Bình Dương, thị trường Australia trở thành điểm sáng và có sức hút lớn với tôm nhập khẩu. Hiện, nguồn cung tôm của Việt Nam và Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường này.

Sự khủng hoảng của ngành tôm trong năm 2015 đã tạm lắng xuống với dấu hiệu phục hồi dần của ngành tôm nuôi Thái Lan, Mexico. Trong khi đó, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia vẫn tiếp tục dồn sức vào tôm thẻ chân trắng. Do đó, sản lượng tôm toàn cầu năm nay được kỳ vọng sẽ tốt hơn năm ngoái. Tuy nhiên, hiện tượng thời tiết thất thường, khắc nghiệt cũng đã khiến hoạt động sản xuất tôm tại nhiều nước bị gián đoạn. Sau những biến cố lớn vừa qua, người nuôi tôm đã dè dặt hơn trước các quyết định mở rộng ao nuôi, thậm chí hạn chế nuôi thả. Tại Mỹ, nhiều hãng cung cấp đang lưỡng lự xả bán hàng tồn với giá rẻ hơn giá nhập năm ngoái khiến dòng chảy của hàng nhập khẩu chưa thực sự được khơi thông. Trong khi đó, sự suy yếu của đồng Euro và đồng Yên tiếp tục khiến nhập khẩu tôm của EU và Nhật Bản giảm trong nửa cuối năm nay. Do đó, việc chuyến hướng thị trường có nguồn cung thực sự vẫn là giải pháp tối ưu cho ngành tôm.

>> Theo tạp chí Nuôi trồng Thủy sản châu Á – Thái Bình Dương, sản lượng tôm nuôi toàn cầu năm 2014 tăng từ 3,4 triệu tấn lên 3,6 triệu tấn. Châu Á vẫn là khu vực nuôi tôm lớn nhất, sản lượng 3 triệu tấn. Trong khi đó, tôm Mỹ Latinh đạt sản lượng 671.000 tấn. Tôm sú mờ nhạt dần ở châu Á, nhường chỗ cho tôm thẻ chân trắng. Sản lượng tôm thẻ tăng từ 2,12 triệu tấn lên 2,37 triệu tấn trong vòng 1 năm. Tôm sú giảm mạnh từ 744.000 tấn xuống 635.000 tấn.

Tuấn Minh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!