Theo kết quả giám sát thủy sản nuôi thường kỳ tháng 7/2015 của Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), vẫn phát hiện dư lượng các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh thủy sản nhiều địa phương vẫn diễn biến phức tạp.
Cụ thể, theo kết quả phân tích giám sát các vùng thủy sản nuôi của Cơ quan quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nam bộ, tại các tỉnh ĐBSCL và TP. HCM, trong tháng 7/2015, đã phát hiện tồn dư chất cấm Enrofloxacin với hàm lượng 90,68ppb trên một mẫu cá rô phi đỏ thương phẩm tại cơ sở nuôi Văn Huy Cường (ấp Long Bình, xã Long Điền A, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Tại cơ sở nuôi này cũng đã phát hiện chất Ciprofloxacin (chất hạn chế sử dụng) với hàm lượng 10,33 ppb.
Chất cấm Enrofloxacin cũng được phát hiện với hàm lượng 2,1 ppb trên mẫu cá tra thương phẩm tại ao nuôi của Công ty Cổ phần Hùng Vương, ấp Bình, xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang); phát hiện với hàm lượng 8,9 ppb trên mẫu cá rô phi đỏ thương phẩm tại bè số 4, cơ sở Nguyễn Văn Bảnh, ấp Hòa Hảo, xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Hiện Cơ quan quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nam bộ đã gửi thông báo đến Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Tiền Giang, An Giang, triển khai biện pháp khắc phục phù hợp, đồng thời lấy mẫu lô hàng có nguồn gốc từ các cơ sở nuôi bị phát hiện chất cấm gửi Phòng kiểm nghiệm được Bộ NN&PTNT chỉ định để kiểm tra chỉ tiêu tương ứng, chỉ XK hoặc tiêu thụ trong nước nếu kết quả phân tích mẫu đạt yêu cầu…
Tại phía Bắc, trong tháng 7/2015, NAFIQAD cũng đã phát hiện dư lượng kháng sinh cấm sử dụng là Chloramphenicol trong mẫu cua biển nuôi tại cơ sở nuôi của ông Nguyễn Văn Rung (xã Hải Lý, Hải Hậu, Nam Định), cùng mẫu cá bống bớp tại hộ ông Nguyễn Văn Vĩnh (xã Nghĩa Thắng, Nghĩa Hưng, Nam Định).
NAFIQAD cho biết sẽ có kế hoạch lấy mẫu kiểm tra tăng cường chỉ tiêu Chloramphenicol tại các hộ nuôi này để làm rõ vấn đề và xử lý nếu vi phạm.
Cũng theo NAFIQAD, trong tháng 7/2015, bệnh hoại tử gan tụy đã bùng phát trên tôm nuôi tại nhiều khu vực tỉnh Quảng Ninh như Tiên Yên, Móng Cái.
Cụ thể, vùng nuôi huyện Tiên Yên có 152 ha tôm sú và 29ha tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh; vùng nuôi Móng Cái có gần 500 ha tôm thẻ chân trắng nhiễm bệnh (chiếm tới gần 43% tổng diện tích nuôi). Ngoài ra tại miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh đã phát hiện tôm chết chưa rõ nguyên nhân, đặc biệt là tại các huyện như Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò, TP Vinh (Nghệ An) với tổng diện tích gần 180 ha.