6 tháng đầu năm, trước những khó khăn về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tập huấn, hội thảo giúp đỡ hội viên và duy trì hoạt động.
Cụ thể, Hội đã thực hiện hoạt động tập huấn, hội thảo, dự án… như tổ chức 2 lớp tập huấn quy trình nuôi tôm sạch và bền vững tại xã Long Toàn, huyện Duyên Hải, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, mỗi lớp có hơn 100 học viên tham gia. Trong hoạt động triển khai dự án “Xây dựng và phát triển mô hình chuyển đổi từ đất nuôi tôm thất bại và có nhu cầu sang nuôi tôm kết hợp trồng rừng”, Hội đã tổ chức được 10 lớp tập huấn và 1 cuộc hội thảo về kỹ thuật nuôi tôm kết hợp trồng rừng cho hơn 385 hộ dân tại các xã Ngũ Lạc, Long Khánh, Long Vĩnh. Kết hợp với Công ty Công nghệ Hóa sinh Việt Nam thực hiện nuôi tôm theo quy trình nuôi tôm sạch cho 4 hộ dân huyện Duyên Hải.
Nuôi tôm kết hợp trồng rừng mang lại hiệu quả cao – Ảnh: Trần Út
Từ nay đến cuối năm, Hội sẽ phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố rà soát, tổ chức các chi hội cơ sở… Dự kiến, phối hợp với Hội Khoa học Kỹ thuật Trà Vinh tổ chức 2 lớp kỹ thuật sản xuất lươn thương phẩm, 1 lớp dành cho huyện Cầu Kè và Tiểu Cần, 1 lớp cho huyện Cầu Ngang và Duyên Hải.
Đánh giá kết quả đã triển khai, ông Phạm Nam Dương, Chủ tịch Hội cho biết, các hoạt động của Hội đều gắn chặt với nhiệm vụ trọng tâm và đáp ứng nhu cầu hội viên. Công tác tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học đã có chất lượng hơn, dễ áp dụng cho người nuôi. Từ nay đến cuối năm, Hội sẽ thường xuyên đi cơ sở, kết hợp chặt chẽ với địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, phản ánh lên các cấp lãnh đạo để có những chỉ đạo kịp thời.