Hỏi: Xin cho hỏi kỹ thuật, thức ăn nuôi thương phẩm cá lăng trên lồng bè? Ông Nguyễn Anh Dũng (huyện Na Hang, Tuyên Quang)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời:
Kích thước lồng nuôi cá lăng tùy thuộc vào điều kiện nuôi, tối thiểu 10 m3, độ sâu mực nước trong lồng từ 2 – 2,5 m, lồng có mái che để che mát. Mật độ nuôi 20 – 40 con/m2. Thức ăn sử dụng để nuôi cá lăng trong lồng bè là cá tạp và thức ăn tự chế. Cá tạp được sử dụng làm thức ăn cần được mổ bụng, bỏ ruột, rửa sạch, băm nhỏ vừa cỡ miệng cá. Thức ăn tự chế theo công thức: Bột cá (55.6%) + Đỗ tương (28.8%) + Bột mì (7.1%) + Cám gạo (5%) + Dầu cá (1.5%) + Vitamin (2%), được trộn đều, cho nước đủ độ ẩm rồi nắm lại thành từng nắm có khối lượng 200 – 300 g/nắm. Cho ăn 2 lần/ngày vào 8 giờ sáng và 16 giờ chiều. Giai đoạn cá nhỏ cho ăn với khẩu phần 4 – 5% trọng lượng thân. Khẩu phần ăn giảm dần còn 2,5 – 3% trọng lượng thân khi cá đạt kích thước trung bình 600 g/con. Thường xuyên treo túi vôi bột gần sàng ăn để phòng bệnh cho cá. Sau thời gian nuôi 2 năm có thể tiến hành thu hoạch cá.
Hỏi: Ao nuôi tôm thẻ chân trắng 45 ngày tuổi, nước ao chuyển sang màu trắng như vôi sau đó chuyển sang màu xanh lục, tôm bỏ ăn. Xin cho hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? Ông Nguyễn Trọng Tấn (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên)
Trả lời:
Hiện tượng nước ao nuôi có màu trắng như vôi là do ao thiếu ôxy quá mức và kéo dài hoặc trong ao nuôi chứa nhiều động vật nổi phát triển mạnh, nhiều vật lơ lửng trong nước. Với màu nước này kéo dài rất dễ làm tôm nổi đầu, kém ăn, tỷ lệ sống thấp, tôm dễ bị bệnh. Sau thời gian dài cho ăn, tôm ăn dư thừa, ao chứa nhiều mùn bã và thức ăn dư thừa có thể là nguyên nhân làm cho tảo lam và tảo lục phát triển khiến cho pH tăng cao. Để khắc phục tăng cường quạt nước, tiến hành thay 30 – 50% lượng nước trong ao, kết hợp với xi phông, hút mùn bã hữu cơ tích tụ dưới đáy. Trong thời gian này cần hạn chế việc cho tôm ăn. Sau 2 – 3 ngày, tiến hành tạt vi sinh để ổn định môi trường ao nuôi.