Sản xuất và tiêu thụ cá tra tại các địa phương trong tháng 7 chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực, giá cả chưa ổn định dẫn đến nghề nuôi truyền thống của một số tỉnh gặp nhiều khó khăn.
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, sản lượng thu hoạch cá tra 7 tháng đầu năm giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,2%), ước đạt 598.735 tấn.
Thị trường cá tra nguyên liệu tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL trong tháng 7 tiếp tục xu hướng ảm đạm. Tại thị trường Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu (cỡ 650 – 850 g/con) ở mức 20.800 đồng/kg nhưng nhu cầu mua yếu. Tại Đồng tháp, cá tra nguyên liệu cùng cỡ giá khoảng 20.500 – 20.700 đồng/kg. Tại Bến Tre, giá cũng duy trì trong khoảng 19.500 – 19.700 đồng/kg.
Thị trường cá tra nguyên liệu thiếu sôi động – Ảnh: Duy Khương
Với thị trường Trung Quốc, dự báo trong năm 2015, thị trường này có thể chiếm 10% tỷ trọng kim ngạch toàn ngành cá tra nước ta. Điều đặc biệt là, khách hàng Trung Quốc không chỉ có nhu cầu về mặt hàng cá tra fillet, cá tra đông lạnh, chạo, chả… như những thị trường khác mà còn mua cả cá tươi, cá khô… Nếu như các năm trước, những doanh nghiệp vừa và nhỏ khoảng 2 tháng mới xuất được 1 container loại 20 tấn sang thị trường Trung Quốc, thì mấy tháng đầu năm nay có đơn vị đã xuất được 4 – 5 container/tháng sang thị trường này.
Về tình hình đăng ký hợp đồng xuất khẩu theo nghị định cá tra, báo cáo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đơn vị đảm nhận việc đăng ký cho thấy, từ ngày 1/1 đến ngày 18/7/2015, có 186 doanh nghiệp đăng ký với tổng khối lượng đạt hơn 551.000 tấn sản phẩm cá tra các loại. Trong khi đó, dự báo tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa thời gian tới cũng sẽ có sự cải thiện đáng kể hơn. Cụ thể, trong năm 2012, bình quân mỗi người Việt Nam chỉ tiêu thụ có 69 g cá tra. Thế nhưng, dự báo trong năm 2015, mức tiêu thụ bình quân mỗi người đạt 138 g và đạt 207 g/người/năm kể từ năm 2020. Như vậy, với dự báo dân số vào năm 2020 đạt khoảng 98 triệu người, thì tổng nhu cầu tiêu thụ cá tra chỉ riêng ở thị trường nội địa đã đạt trên 200.000 tấn.