Thực trạng qua đăng ký hợp đồng xuất khẩu

Chưa có đánh giá về bài viết

Thực hiện Nghị định 36, cuối năm 2014, các doanh nghiệp bắt đầu đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra Việt Nam. Từ 1/6/2015, hồ sơ đăng ký hợp đồng xuất khẩu phải có thêm giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm hoặc hợp đồng mua cá tra nguyên liệu. Thực trạng ngành cá tra dần lộ rõ qua hoạt động đăng ký.

Số liệu của hải quan, từ đầu năm đến ngày 15/6, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 680.388.389 USD. Còn sản xuất, theo Tổng cục Thủy sản và Chi cục Thủy sản các tỉnh ĐBSCL, đến 30/6/2015 lũy kế diện tích thả nuôi mới cá tra 1.959 ha (tăng 0,21% so cùng kỳ 2014). Diện tích thu hoạch 1.857 ha (giảm 0,51% so cùng kỳ năm 2014), sản lượng 516.140 tấn (tăng 1,22% so cùng kỳ). Năng suất trung bình 278 tấn/ha (năm 2014 là 274 tấn/ha).

 

Chậm

Với tổng diện tích nuôi 1.959 ha nêu trên, diện tích khai báo theo quy định đạt thấp.

Sự chậm trễ ấy có phần do ảnh hưởng của việc lùi thời gian thực hiện hàm ẩm và tỷ lệ mạ băng sản phẩm cá tra theo Nghị định 36, thay vì từ  1/1/2015 xuống từ 1/1/2016. Công tác quy hoạch ở các địa phương, việc cấp mã số vùng nuôi bị chậm lại so quy định. Triển khai VietGAP ở khu vực nuôi sẽ không hoàn thành kịp trong năm 2015. Thông tư Bộ Tài chính hướng dẫn tính giá thành, làm cơ sở cho Hiệp hội Cá tra công bố giá sàn cũng chưa được Sở Tài chính các địa phương thực hiện.

Hiệp hội Cá tra có chuyến khảo sát và làm việc trực tiếp với một số hộ sản xuất giống cá tra tại Hồng Ngự (Đồng Tháp), thấy giá giống cá tra không ổn định. Chất lượng con giống có chiều hướng giảm, đàn cá tra bố mẹ chọn giống chưa thay thế được đàn cá tra tại địa phương.

 

Thiếu

Từ 1/6/2015, đăng ký hợp đồng xuất khẩu phải có thêm giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm và hợp đồng cá tra nguyên liệu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp và hộ nuôi không có giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm do sản xuất trước 12/9/2014 và cá nguyên liệu được thả nuôi trước 12/9/2014. Do đó, doanh nghiệp đã làm cam kết với các khối lượng sản phẩm sản xuất không có giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm.

Đến 27/6/2015, có 33 công ty thiếu giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm với tổng lượng thành phẩm đăng ký xuất khẩu 59.124 tấn. Trong đó, 18 công ty thực hiện báo cáo sản phẩm đã sản xuất trước 12/9/2014 với tổng lượng 55.006 tấn, đăng ký xuất khẩu 11.445 tấn. Còn 15 công ty thiếu giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm do sử dụng nguyên liệu cá thả nuôi trước 12/9/2014, sản lượng đăng ký xuất khẩu 4.118 tấn.

Cũng đến 27/6/2015, Hiệp hội Cá tra tiếp nhận 29 trường hợp ao nuôi cá tra thương phẩm chưa đăng ký theo đúng quy định. Tổng lượng cá nguyên liệu theo hợp đồng mua bán 8.607 tấn. Việc thiếu giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm được nêu lý do: Thả nuôi trước 12/9/2014 nên chưa đăng ký; thả nuôi sau 12/9/2014 nhưng hộ nuôi chưa biết phải đăng ký; còn lại là những hộ nuôi chưa chịu đăng ký theo quy định.

 

Không rõ

Về giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, một số địa phương chưa thực hiện đồng bộ việc rà soát quy hoạch nên chưa thể cấp mã số nhận diện ao nuôi. Nhiều hợp đồng mua cá tra nguyên liệu không ghi rõ thông tin người bán. Vài trường hợp bổ sung hợp đồng thuê nuôi gia công, không có hợp đồng nguyên liệu. Một số doanh nghiệp chưa bổ sung đủ hồ sơ bằng cách cam kết hàng hóa tồn kho sản xuất trước 12/9/2015 và cá tra nguyên liệu được thả nuôi trước 12/9/2015.

Đối với phụ phẩm (dầu, bột, vi, da cá…) số lượng lớn và được mua từ nhiều nguồn, định mức chế biến nguyên liệu thành fillet không rõ ràng từ nhà máy, và chưa rõ về định mức chế biến (dầu, bột cá) từ phụ phẩm. Có doanh nghiệp sử dụng giấy đăng ký nuôi nhiều lần, vượt sản lượng cá nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu.

Lại có trường hợp, một hợp đồng đăng ký xuất khẩu sử dụng nguồn cá nguyên liệu một phần trong nhiều ao nuôi. Bên cạnh, một số doanh nghiệp yêu cầu thương nhân mua cá thương phẩm có sử dụng giấy đăng ký nuôi cá tra thương phẩm (thông qua hợp đồng mua nguyên liệu) phải có dấu sao y của chủ sở hữu, không là sao y của doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu, vì nghi vấn doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu có thể sử dụng nhiều lần hồ sơ này, gây khó khăn trong việc quản lý nguyên liệu của thương nhân sở hữu vùng nuôi.

 

Tái cấu trúc

Hiệp hội Cá tra cho biết, để khắc phục hạn chế, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của các thị trường, sẽ đẩy nhanh tái cấu trúc ngành cá tra. Thời gian gần, xúc tiến thành lập nhóm tư vấn về tái cấu trúc ngành hàng cá tra, gồm các nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý liên quan hoạt động của chuỗi ngành. Thực hiện tái cấu trúc về thị trường, sản phẩm, chất lượng sản phẩm, tài chính doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp.

Bên cạnh, chú trọng phát triển thị trường; Đối với thị trường trong nước: tổ chức phân tích hành vi tiêu dùng, phối hợp cơ quan khác tổ chức xúc tiến thương mại và truyền thông, nâng cao hình ảnh cá tra. Thực hiện đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát triển các cụm liên kết ngành trong chuỗi giá trị khu vực nông nghiệp nông thôn”. Đối với thị trường ngoài nước: tập trung tăng kích cỡ thị trường hiện tại, nhất là Mỹ và EU. Chú ý các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Brazil. Phối hợp Liên minh thủy sản toàn cầu (GAA) thực hiện các chương trình về chứng nhận BAP, về thị trường tiêu thụ sản phẩm có chứng nhận BAP.

Hiệp hội Cá tra cũng có kế hoạch phối hợp công ty Tư vấn xây dựng thương hiệu Nation Consultancy (Anh), xây dựng chương trình thương hiệu quốc gia cho ngành cá tra Việt Nam, để sản phẩm bán giá cao và tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Hình thành hệ thống cung cấp thông tin ngành cá minh bạch, giúp doanh nghiệp định hướng sản xuất kinh doanh.

>>  Từ 1/6/2015 đến 27/6/2015, khai báo vùng nuôi chỉ có 900 ha, với tổng sản lượng dự kiến 326.448 tấn. Trong đó, doanh nghiệp 834 ha với 301.824 tấn, hộ nuôi 66 ha với 24.624 tấn. Tổng sản lượng đã đăng ký xuất khẩu 119.663 tấn và tổng sản lượng cá nuôi còn lại 206.785 tấn.

Thanh Hải

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!