Hỏi: Khi mưa lớn tôm nổi đầu, dạt vào bờ, tăng cường quạt nước vẫn không hết. Xin cho hỏi cách khắc phục? Vương Văn Thanh (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi)
Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)
Trả lời
Mưa làm cho môi trường thay đổi đột ngột, nhiệt độ, độ mặn, hàm lượng ôxy hòa tan, đặc biệt pH giảm và tăng tính độc của H2S tích tụ ở đáy ao. Khi mưa lớn, ngoài việc tăng cường hàm lượng ôxy hòa tan, treo túi vôi ở góc ao hoặc rải quanh bờ, thường xuyên theo dõi sự biến động của pH trong và sau khi mưa lớn. Nếu pH giảm thấp, biến động giữa sáng và chiều > 0,5; sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3 liều lượng 10 – 20 kg/1.000 m3, tùy độ pH. Nhanh chóng tháo bớt nước trên tầng mặt để hạn chế phân tầng nước về nhiệt độ, độ mặn, pH. Giảm hoặc ngừng cho tôm, cá ăn, do khi mưa lớn tôm, cá nuôi sẽ giảm hoặc không bắt mồi.
Hỏi: Ấu trùng TTCT ở giai đoạn Zoea 3 có hiện tượng không bắt mồi, bơi lội chậm, chết dần. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? Nguyễn Viết Tuyển (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận)
Trả lời
Theo mô tả, ấu trùng tôm có hiện tượng bị dính chân. Dính chân là hiện tượng chân và các phần phụ bị bám bẩn, làm cho ấu trùng tôm khó bơi lội, vận động. Nguyên nhân do từ giai đoạn Nauplius không được xử lý tốt, ấu trùng bị dính phân và một số chất bẩn trong bể đẻ. Hoặc nguồn nước đưa vào ương không đảm bảo chất lượng, thức ăn thừa tạo chất nhầy bám dính vào chân và phần phụ của ấu trùng. Để khắc phục, thay 30 – 50% lượng nước trong bể nuôi, sử dụng enzyme để phân hủy chất thải; đồng thời kích thích phát triển vi khuẩn có lợi. Sau đó tạt vi sinh AzBio liều lượng 1,5 – 2 ppm. Trong quá trình xử lý, bổ sung Vitamin C, vitamin tổng hợp vào thức ăn, liều lượng 1ppm.
Hỏi: Trên mang TCX xuất hiện những vệt đen mờ song song. Như vậy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe tôm nuôi không? Trần Trọng Nam (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang)
Trả lời
Hiện tượng này thường xảy ra trong các ao nuôi ô nhiễm hữu cơ, trong ao nuôi thả tôm mật độ cao, không thay hoặc ít thay nước, đáy ao tích lũy một lượng lớn khí độc ammonia. Ammonia sẽ làm ảnh hưởng tới mang tôm làm mang có màu đen hoặc có những chất hữu cơ hoặc vô cơ vào trong mang tôm, nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi, tôm dễ nhiễm bệnh do vi khuẩn. Khắc phục bằng cách thay nước trong ao 30 – 50%. Sau đó, dùng vi sinh vật (BS-I) phân hủy chất hữu cơ. Định kỳ 5 – 7 ngày sử dụng Zeolit để hấp thu khí độc ở đáy ao. Để tránh xảy ra hiện tượng này cần quản lý tốt lượng thức ăn. Duy trì hàm lượng ammonia trong ao nuôi luôn nhỏ hơn 0,1 ppm.