Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa anh được đi học. Năm 1995, anh tốt nghiệp khoa Quản lý công nghiệp của Trường đại học Nông nghiệp 1, cầm tấm bằng trong tay kỹ sư trẻ Đặng Văn Sứ ở thôn Phú Liễn – xã Hợp Tiến – huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã quyết định về vùng quê nghèo nơi “chôn rau cắt rốn” để lập thân, lập nghiệp.
Buổi ban đầu với hai bàn tay trắng, anh đã xin vào làm cho Công ty cổ phần thuỷ sản và du lịch Quan Sơn. Năm 1999, anh được quyết định làm công nhân chính thức với chức vụ trưởng công nhân kỹ thuật thủy sản. Đến năm 2008, anh Sứ đã mạnh dạn đề xuất với Công ty muốn khoán và cải tạo một số ao hoạt động không hiệu quả, anh được công ty đồng ý khoán với hình thức nộp sản phẩm theo năm. Với nghị lực và ý chí quyết tâm của một kỹ sư trẻ không có việc gì là không thể làm. Với 13 ha mặt nước nằm cạnh tỉnh lộ 424 sẽ rất thuận tiện về giao thông. Anh đã nhờ anh em, bạn bè và vay mượn thêm ngân hàng để cải tạo mua các loại giống cá về thả.
Trong 13 ha mặt nước anh chủ yếu thả các loại như: Trắm ốc, trắm cỏ, trôi, mè, rô phi và được chia ra làm 4 ao thuận tiện cho việc theo dõi và chăm sóc. Để chăm sóc khu nuôi cá của mình được tốt anh đã thuê thêm 5 nhân công để cắt cỏ và cho cá ăn mỗi ngày, với mức lương anh trả mỗi tháng cho mỗi nhân công là 2 triệu đồng/tháng. Anh chia sẻ: “Từ khi nuôi đến giờ những ao cá phát triển tốt, trọng lượng cá tăng nhanh, đặc biệt rất ít khi xảy ra dịch bệnh”.
Năm 2010, anh đánh bắt gần 100 tấn cá bán cho các thương lái về tận nơi thu mua để xuất ra thị trường Hà Nội. Với cá Rô phi giá bán từ 40.000 – 45.000 đồng/kg, cá trắm cỏ giá từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, cá trắm ốc trọng lượng 1 – 3 kg có giá từ 110.000 – 130.000 đồng/kg. Trừ mọi chi phí anh thu lãi gần 600 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi ra ao nuôi anh khoe: “Tôi vừa đầu tư làm hai cái lồng cá lớn này cũng được một thời gian để thử nuôi xem cá lồng có khác biệt gì lớn so với cá thả ao không, nếu phát triển tốt tôi sẽ đầu tư nuôi cá đặc sản. Trong lồng hiện anh thả cá trắm cỏ, trê lai, rô phi…”. Đến giờ anh Đặng Văn Sứ có của ăn, của để được mọi người biết đến và nể phục về một kỹ sư trẻ cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm.
Phạm Đình Thuỷ
Theo Website Hội Nông Dân