Mới đây, Bộ NN&PTNT đã chỉ ra nhiều điểm chưa hợp lý trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 36 về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hiện, một số địa phương chậm hoàn thành việc rà soát, phê duyệt quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra, đã ảnh hưởng đến tiến độ cấp mã số ao nuôi và xác nhận đăng ký nuôi cá tra thương phẩm, ứng dụng và chứng nhận VietGAP. Đến nay, cả nước mới có gần 50% diện tích nuôi cá tra được chứng nhận VietGAP, trong khi Nghị định 36 đặt ra mục tiêu đến hết năm 2015 các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận VietGAPcùng các chứng nhận quốc tế tương đương. Do mục tiêu này khó có thể hoàn thành kịp tiến độ, Bộ đề nghị lùi thời gian thực hiện này đến hết năm 2016.
Quy định tỷ lệ mạ băng trong cá tra fillet gây khó trong việc xuất khẩu – Ảnh: LHV
Bên cạnh đó, việc quy định chỉ được phép sản xuất sản phẩm cá tra fillet đông lạnh có hàm lượng nước không quá 83% và tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10% (cá tra loại tốt) gây khó khăn trong việc tiêu thụ xuất khẩu cá tra. Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn lộ trình thực hiện theo hướng đến ngày 31/12/2018, sản phẩm cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu có tỷ lệ mạ băng không vượt quá 20%, hàm lượng nước tối đa không vượt quá 86% so với khối lượng tịnh của sản phẩm.Năm 2019,sẽ áp dụng đầy đủ quy định cá tra fillet đông lạnh có hàm lượng nước không quá 83% và tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10%. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất bỏ thu phí của doanh nghiệp khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra.