Những năm gần đây, người dân mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào khai thác, sản xuất thủy sản nhằm đạt năng suất, chất lượng và phát triển theo hướng ổn định bền vững. Đồng hành với hoạt động đó phải kể đến vai trò của khuyến ngư, đặc biệt công tác đổi mới cách tiếp cận.
PV Thủy sản Việt Nam đã trao đổi với TS Phan Huy Thông (ảnh) – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xung quanh vấn đề này.
Ông có thể cho biết những hoạt động nổi bật của khuyến ngư trong thời gian qua?
Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai các hình thức tuyên truyền đa dạng. Trong đó, có 2 diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp: “Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh duyên hải miền Trung”; “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm hiện đại hóa đội tàu cá khai thác xa bờ khu vực miền Trung”… diễn đàn tuyên truyền chính sách, giới thiệu kỹ thuật, thu hút nhiều nông, ngư dân.
Năm 2015, hoạt động đào tạo đã có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đã tổ chức biên soạn bộ tài liệu chuẩn tích hợp nghiệp vụ và phương pháp khuyến nông làm tài liệu hướng dẫn trung tâm các tỉnh tổ chức tập huấn ToT. Trung tâm đã tổ chức được 3 lớp tập huấn đào tạo giảng viên cấp quốc gia tạo Hòa Bình, Thừa Thiên – Huế, Cần Thơ. Tham gia các hội nghị, diễn đàn bằng các tham luận, tư vấn… Cùng đó là nhiều mô hình, dự án khuyến nông đã trở thành các điểm trình diễn, thu hút sự quan tâm của đông đảo nông, ngư dân.
Với mục tiêu đổi mới công tác khuyến nông nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả, trong đó hoạt động khuyến ngư có những đổi mới, sáng tạo gì?
Khuyến ngư tập trung vào các đề án tái cơ cấu, chẳng hạn như công tác tuyên truyền, tập huấn, tư vấn, thì phải tập trung vào những đối tượng cây trồng, vật nuôi, chế biến nông sản – những chủ trương của tái cơ cấu, chứ không phải làm phân tán, dàn trải. Trong các hoạt động của 4 “trụ cột” đó, phải đổi mới cách tiếp cận. Nếu trước đây, chúng ta tiếp cận theo cách từng kỹ thuật đơn lẻ, nay phải tiếp cận theo gói kỹ thuật tổng thể, gọi là tiếp cận hệ thống. Trước đây chúng ta tiếp cận chỉ kỹ thuật riêng thì bây giờ tiếp cận cả góc độ kỹ thuật và kinh tế. Kinh tế ở đây là tổ chức sản xuất và gắn với thị trường tiêu thụ, tức là khuyến cáo nông dân, tuyên truyền nông dân xây dựng mô hình. Kể cả thông tin đào tạo, không chỉ có nâng cao kiến thức về kỹ thuật cho người dân mà còn nâng cao kiến thức về kinh tế, khả năng tiếp cận thị trường. Qua đó, người ta biết cách tìm hiểu thị trường ở đâu, biết cách tính toán hiệu quả kinh tế như thế nào trước khi tiến hành ứng dụng mô hình, tiến bộ kỹ thuật, tính toán trước việc đầu tư có hiệu quả hay không.
Nhiều mô hình khuyến ngư cho hiệu quả cao – Ảnh: Phan Thanh
Từ cách tiếp cận từng hộ đơn lẻ sang cách tiếp cận nhóm và cộng đồng của nông thôn theo cách thức liên kết sản xuất. Không chỉ một hộ nông dân được biết, mà cần hướng dẫn cả nhóm, tổ trong cộng đồng, nâng cao nhận thức, tập huấn, tuyền truyền… tạo điều kiện liên kết với nhau, liên kết với các doanh nghiệp, trong thủy sản là nuôi trồng tập trung, áp dụng VietGAP.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến ngư địa phương đặc biệt quan trọng. Hiện yêu cầu ngư dân ngày một khác về kỹ thuật, kinh tế xã hội, tổ chức sản xuất… lực lượng khuyến ngư cần được đào tạo phương pháp, kiến thức ngoài cả xã hội văn hóa, kiến thức thị trường, sản xuất, an toàn thực phẩm… tiếp cận người dân, giúp tư vấn cho nông dân.
Hoạt động tư vấn dịch vụ khuyến nông phải được đẩy mạnh hơn, tư vấn hỏi đáp trực tiếp cho nông ngư dân trên báo, đài phát thanh, truyền hình, diễn đàn không chỉ kỹ thuật mà còn cả chính sách, định hướng làm cho nông ngư dân hiểu, nhanh chóng tiếp cận nội dung.
Để khắc phục những khó khăn về nguồn lực, kinh phí… phải làm gì, thưa ông?
Về kinh phí thực hiện các mô hình, ngoài phần hỗ trợ của nhà nước cần liên kết với các doanh nghiệp: chế biến, đầu vào, thức ăn, thuốc thú y… tham gia cùng khuyến ngư, hỗ trợ ngư dân. Vận động doanh nghiệp trong các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nông, ngư dân sản xuất.
Về nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực đa năng, kết hợp kiến thức tổng hợp, xã hội. Tổ chức những hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa cán bộ khuyến nông, cuộc thi khuyến nông… làm hạt nhân cho hoạt động kết nối nông, ngư dân. Cần có chính sách với người làm khuyến nông, nhất là khuyến nông cấp xã. Chúng tôi đang đề nghị Nhà nước sẽ điều chỉnh lại chính sách trong Nghị định 02/2010 về khuyến nông. Cụ thể, đối với những người được hưởng lợi khuyến nông, nhóm hưởng lợi nên phân định rạch ròi giữa các nhóm người dân nghèo, cận nghèo, nông dân vùng dân tộc thiểu số, ở những nơi khó khăn, dễ bị tổn thương do thiên tai, tiếp tục áp dụng chính sách khuyến nông có hỗ trợ như hiện nay, được tập huấn không mất tiền, cấp tài liệu không mất tiền, được làm mô hình trình diễn để hỗ trợ một phần giống, vật tư như hiện nay và không thu hồi để giúp cho họ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, coi như một hình thức hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cần liên kết các tổ chức để hoạt động khuyến ngư sâu rộng hơn như: Hội Nông dân, Hội Nghề cá Việt Nam, VASEP…
Trọng tâm hoạt động khuyến ngư những tháng cuối năm là gì, thưa ông?
Thời gian tới, hoạt động khuyến ngư tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài… Tổ chức diễn đàn, hội nghị như: Nuôi cá tra VietGAP, giới thiệu tiến bộ khoa học kỹ thuật, các giống cá, tôm… Tổ chức đoàn thăm quan các mô hình tiên tiến, các đối tượng nâng cao hiệu quả. Theo dõi tổng kết các mô hình, dự án đang thực hiện, tổng kết đánh giá thành công và hạn chế để khắc phục và tổ chức tham quan các mô hình này. Xây dựng các dự án cho khuyến ngư 2016 – 2018, trong đó có dự án nuôi cá rô phi đơn tính; bám sát định hướng của ngành về hoạt động đổi mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Trân trọng cảm ơn ông!
>> Đổi mới khuyến nông dựa trên 4 “trụ cột”: Thông tin tuyên truyền; hoạt động đào tạo, tập huấn; hoạt động xây dựng và nhân rộng các mô hình khoa học công nghệ tiên tiến; hoạt động về tư vấn và các dịch vụ khác để giúp cho hoạt động sản xuất của nông dân. |