(TSVN) – Chiều 28/11/2024 tại Lào Cai, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai tổ chức cho các đại biểu, đại diện các Hợp tác xã và một số nông dân các tỉnh lân cận tham quan mô hình nuôi cá nước lạnh tiêu biểu tại thị xã Sa Pa.
Địa điểm mà đoàn đặt chân đến đó là mô hình nuôi cá nước lạnh của ông Trần Chung Hưng, Tổ dân phố số 2, phường Ô Quý Hồ, một trong những hội viên nông dân đầu tiên phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa. Ông Hưng cũng được bình chọn là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu cả nước nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”.
Ông Hưng (thứ hai từ phải sang) giới thiệu mô hình nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa
Tại buổi tham quan, ông Hưng nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm của gia đình trong việc nuôi cá nước lạnh, bao gồm nhiều công đoạn như chọn địa điểm xây dựng ao nuôi, chuẩn bị ao nuôi, mật độ thả cá, cách quản lý các yếu tố môi trường, cách phòng và điều trị bệnh thông thường cho cá trong quá trình nuôi.
Bắt đầu từ năm 2017, ông Hưng đầu tư nuôi cá nước lạnh tại khu vực thác Bạc thuộc phường Ô Quý Hồ, khởi đầu với 4 bể cá nhỏ và 1.500 con giống. Tuy nhiên, dịch bệnh và thiếu kỹ thuật đã gây thiệt hại đáng kể. Khi ấy, việc nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa cũng như các nơi khác chưa được phổ biến. Chủ yếu bà con nông dân tự mày mò, nghiên cứu để nuôi. Do vậy, nhiều kỹ thuật nuôi cá trắm, cá mè khác hẳn so với nuôi cá nước lạnh nên không áp dụng được.
Các đại biểu tham quan bể nuôi cá tầm giống của gia đình ông Hưng
Nói về kinh nghiệm nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa, ông Hưng cho rằng, khâu quan trọng nhất trong việc nuôi cá nước lạnh đó là cần lựa chọn con giống tốt, khỏe mạnh, ngoài ra cũng cần chú trọng đến nguồn thức ăn đảm bảo an toàn, dinh dưỡng cho cá. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện nay, ông Hưng đã áp dụng công nghệ nuôi cá theo hệ thống tuần hoàn, nhờ vậy đã xử lý được lượng nước tồn đọng trong bể cá, nước đục khi mưa lũ, giảm bớt thời gian, nhân công lao động trong việc vệ sinh bể cá.
Khu ương dưỡng cá giống được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, giúp cá sinh trưởng và phát triển tốt
Được biết, mỗi năm, ông Hưng xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 700.000 con giống cá tầm và cá hồi, thu về khoảng 10 tỷ đồng. Đồng thời, mỗi bể nuôi khoảng 5.000 con cá thương phẩm, khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 – 2 kg thì xuất bán. Mô hình nuôi cá nước lạnh như hiện nay có thể giúp gia đình ông Hưng mang về thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thông qua chuyến tham quan thực tế đã phần nào giúp các đại biểu, đặc biệt là một số nông dân nắm được kỹ thuật nuôi cá nước lạnh đạt năng suất, hiệu quả cao; từ đó, nghiên cứu, học hỏi để mạnh dạn chuyển đổi đối tượng nuôi phù hợp với tình hình thực tế địa phương, mang lại giá trị kinh tế tốt hơn.
Thùy Khánh
Ảnh: Thu Trang
Lào Cai là một trong hai địa phương nuôi cá nước lạnh nhiều nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 500 cơ sở nuôi cá nước lạnh với thể tích đạt 100.000 m3. Tỉnh cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 110.000 m3, sản lượng cá nước lạnh đạt 1.600 tấn. Để nghề nuôi cá nước lạnh phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững, Lào Cai xác định cần có sự liên kết đồng bộ chặt chẽ và mở rộng mạng lưới liên kết hơn nữa.