Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) nhận định, trong 30 năm qua, Việt Nam đã mất 1/2 diện tích rừng ngập mặn, chủ yếu do mở rộng diện tích lúa và do đào ao nuôi tôm. Các tổ chức phi chính phủ đã đầu tư nhiều dự án nhằm góp phần phát triển bền vững cả tôm và rừng, trong đó có Cà Mau.
Bảo vệ rừng, phát triển tôm
Nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng mất diện tích rừng sẽ mạng lại những hậu quả nghiêm trọng. Không còn đảm nhận chức năng rừng ngập mặn như: ngăn chặn sóng thủy triều và nước dâng do bão; là môi trường nuôi dưỡng cá, tôm; cung cấp gỗ, mật ong và các sản phẩm khác; nâng độ cao cho đất nhờ giữ phù sa bồi đắp. Cây đước cũng có hàm lượng carbon rất cao, phù hợp mọi loại rừng; do đó, phát triển rừng đước khỏe mạnh sẽ góp phần quan trọng thích nghi và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Theo SNV, đầu tư hơn 1 triệu USD cho mô hình tôm rừng được triển khai sẽ cải thiện sinh kế hộ nuôi tôm rừng, khuyến khích hộ nuôi có trách nhiệm và thị trường chứng nhận đối với duy trì hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển thông qua sự liên kết với Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Ban quản lý rừng Nhưng Miên huyện Ngọc Hiển. Việc kết nối người nuôi với doanh nghiệp chế biến và bên mua thông qua tổ, nhóm liên kết cho việc chứng nhận, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nâng cao hiệu quả mô hình của hộ qua các nghiên cứu hỗ trợ kỹ thuật về mật độ nuôi, thức ăn, con giống.
Nuôi tôm rừng ở Cà Mau – Ảnh: Huỳnh Lâm
Ông Richard Mc Nally, Điều phối viên toàn cầu Chương trình REDD+ (Giảm phát thải khí nhà kính từ mất rừng và suy thoái rừng) cho rằng: “Dự án này không chỉ tìm cách để giới thiệu sản xuất bền vững – hỗ trợ nông dân địa phương và các doanh nghiệp địa phương mà còn làm giảm tác động trên diện tích rừng ngập mặn. Bởi, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong thích ứng biến đổi khí hậu; giảm thiểu, bảo tồn và phục hồi rừng cũng rất quan trọng cho sự thịnh vượng trong tương lai tỉnh Cà Mau”.
Theo nhiều chuyên gia, việc kết hợp mô hình tôm rừng ngập mặn có thể cung cấp một kịch bản win – win (cùng thắng) cải thiện thu nhập và giảm áp lực trên diện tích rừng ngập mặn.
Hiệu quả và bền vững
Thực hiện thành công dự án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Cà Mau. Đây là sự chuyển biến cả về nhận thức và cách thức sản xuất; sẽ được nhân rộng trên toàn tỉnh ở những giai đoạn tiếp theo.
Một chuyên gia về tôm cũng nhận định, khả năng tôm mang lại hiệu quả là rất khó, nếu chúng ta không có cơ chế, chính sách cho người dân vùng rừng. Vậy sự bền vững cả tôm và rừng ở đây thế nào? Theo như sự bền vững thông qua Dự án là sự bền vững từ hệ sinh thái thì chúng ta cần phải hợp tác các dự án từ các tổ chức đã và đang đầu tư cho Cà Mau lại với nhau để theo dõi chính xác hệ thống rừng ngập mặn Cà Mau.
Việc dự án liên kết với doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thí điểm xây dựng chứng nhận cho tôm có thương hiệu sinh thái sẽ được thu mua cao hơn thị trường 10%. Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, Minh Phú cam kết mua tôm của người dân trong Dự án cao hơn thị trường 10% và mua hết sản lượng. Thời gian tới, Công ty cố gắng tìm đối tác để nâng giá cho con tôm có nguồn gốc từ mô hình tôm rừng, làm sao để người dân trong hay ngoài dự án cũng có điều kiện thực hiện theo mô hình để an tâm về giá, từ đó an tâm giữ rừng.
Kết quả thí điểm trên sẽ được nhân rộng, góp phần đề xuất quy hoạch hợp lý cho rừng – tôm, thủy sản và chính sách quốc gia về rừng ngập mặn.
>> Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: Dự án của SNV sẽ hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng rừng – tôm kết hợp gắn kết trong chuỗi sản xuất với tinh thần trách nhiệm cao giữa các bên từ người sản xuất, chủ rừng, doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu dưới sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ. Dự án sẽ đảm bảo phát triển bền vững, nâng cao mức sống của người dân vùng rừng, bảo vệ và phát huy tốt tài nguyên rừng. |