Tại tỉnh Quảng Nam đã nuôi thử nghiệm nhiều đối tượng thủy sản mới, cho kết quả khả quan. Đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt, phát huy cao độ tiềm năng, thế mạnh địa phương.
Tiềm năng lớn
Quảng Nam có khoảng 5.000 ha ao nuôi thủy sản nước ngọt. Tại các huyện đồng bằng và trung du, nhiều hộ dân tập trung nuôi các đối tượng truyền thống như cá trắm cỏ, cá chép, cá trôi, mè, rô phi gắn với quy mô hộ gia đình, nuôi theo mô hình VAC, nuôi ghép nhiều loại cá. Tại các huyện miền núi, chương trình cấp cá giống cũng khuấy động phong trào đào ao, nuôi cá, dù quy mô chưa lớn. Đáng kể nhất các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt tại hồ thủy lợi, thủy điện và trên sông.
Sản lượng cá nước ngọt 5.800 – 6.200 tấn/năm. Tại hồ Khe Tân (2 xã Đại Thạnh và Đại Chánh, huyện Đại Lộc), nhiều năm nay mô hình nuôi cá lồng bè đã giúp nhiều gia đình thu nhập cao. Điển hình như ông Cao Xuân Thắng đầu tư 32 lồng cá diêu hồng (20 lồng nuôi và 12 lồng ương cá giống). Ông Thắng áp dụng kỹ thuật nuôi “chuẩn” từ Thái Lan, mỗi năm 3 vụ, doanh thu khoảng 1,5 tỷ đồng.
Hiệu quả mô hình nuôi cá lăng nha được nhiều địa phương nhân rộng – Ảnh: Quang Quyết
Nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh chương trình hỗ trợ nuôi thủy sản nước ngọt. Nhiều mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, như mô hình nuôi cá tra trong ao đất tại gia đình ông Đoàn Đa (xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc) cho năng suất trung bình 150 – 200 tấn/ha/năm; nuôi cá rô phi đơn tính tại Điện Bàn cho năng suất 10 – 15 tấn/ha/vụ; nuôi cá diêu hồng, rô phi bằng lồng cho năng suất 30 – 40 kg/m3/vụ; nuôi cá tổng hợp theo mô hình VAC ở Thăng Bình cho năng suất 10 – 15 tấn/ha/vụ…
Đa dạng đối tượng nuôi
Nhờ có tiềm năng nuôi cá nước ngọt lớn, tỉnh chú trọng đưa giống thủy sản mới để đa dạng đối tượng nuôi tại nhiều địa phương. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh, thời gian qua, Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện Đại Lộc triển khai mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bè tại hồ chứa nước Trà Cân với diện tích cá lăng nha được thả nuôi với mật độ 60 con/m3 trong lồng bè có thể tích 150 m3. Ước tính, cá sinh trưởng trong 9 tháng thì có thể bán thương phẩm. Cá sống 70% nên tổng sản lượng gần 2 tấn; lãi khoảng 70 triệu đồng. “Cá lăng nha là đối tượng nuôi có giá trị nên thị trường mua với giá cao” – Ông Lê Cao Khánh, Trạm Khuyến nông – Khuyến lâm huyện cho biết.
Bên cạnh đó, nuôi thủy sản nước ngọt theo tiêu chuẩn VietGAP được đẩy mạnh. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Quảng Nam triển khai mô hình nuôi cá điêu hồng trong lồng bè theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 250 m2 tại hồ Khe Tân do ông Trương Văn Siêng (thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc) làm chủ hộ nuôi. Sau vụ nuôi đầu tiên, gia đình ông Siêng thu được 11 tấn cá, bán được hơn 450 triệu đồng; lãi hơn 100 triệu đồng. Theo Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Quảng Nam, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi các nông hộ phải tuân thủ nhiều quy định về quy trình nuôi và cả yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Điểm mạnh nhất của cách nuôi này là tính hiệu quả cao, bán được giá.
Ngoài ra, tại huyện Núi Thành, các mô hình nuôi hàu của gia đình ông Bùi Ngọc Hoành (thôn Xuân Mỹ, Tam Hải) và ông Lê Tấn Ích (thôn Long Thạnh Tây, Tam Hải) đem lại lợi nhuận không dưới 50 triệu đồng/năm, được nhiều người tham quan, học hỏi.
Theo Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Nam, từ triển khai thí điểm nhiều mô hình nuôi thủy sản thời gian qua, các nông hộ đều tận dụng tốt cơ hội, nuôi đúng quy trình, đảm bảo cá phát triển tốt, đem lại hiệu quả cao. Vừa tận dụng tiềm năng lớn mà ở cả hai khâu đầu vào và đầu ra đều đảm bảo nên việc nhân rộng mô hình sẽ được triển khai trong thời gian tới.
>> Tiềm năng nuôi thủy sản nước ngọt tại Quảng Nam còn rất lớn. Ngoài 73 hồ thủy lợi, thủy điện, Quảng Nam có hệ thống sông lớn (Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ, Trường Giang) cùng các sông, suối nhỏ và hàng trăm ha ao hồ có thể huy động nuôi thủy sản nước ngọt. |