Khánh Hòa có nhiều thế mạnh về nuôi tôm hùm, bình quân hàng năm, tỉnh thả nuôi trên 23.300 lồng tôm hùm, chiếm trên 40% tổng số lồng nuôi tôm hùm của cả nước.
Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa nhìn chung chưa có thương hiệu, thiếu sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu theo chuỗi giá trị, giá tôm hùm thường biến động theo mùa. Việc tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi sống trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Do đó, để phát triển nuôi tôm hùm tại địa phương này, cần giải quyết những tồn tại.
Theo các nhà quản lý, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nhân tạo tôm hùm giống, đồng thời ban hành các tiêu chí về tôm hùm giống để kiểm soát số lượng, chất lượng, đầu tư xây dựng điểm ương tôm hùm giống tập trung trên bể nhằm kiểm soát dịch bệnh và nâng cao chất lượng. Cùng đó là việc giải quyết vấn đề con giống, tỷ lệ hộ nuôi gặp khó khăn về nguồn cung cấp con giống chiếm đến 60 – 70%. Hiện nay, nguồn tôm hùm giống khai thác tự nhiên cũng không ổn định do phụ thuộc vào mùa vụ, diễn biến thời tiết, thay đổi dòng chảy và môi trường biển. Vào thời điểm được mùa, giá tôm hùm giống dao động 150.000 – 200.000 đồng/con, khi khan hiếm có thể lên đến 400.000 – 500.000 đồng/con.
Nguồn tôm hùm giống chủ yếu khai thác tự nhiên – Ảnh: Ngọc Viên
Cùng với quy định thiết kế lồng bè, phân vùng neo đậu lồng nuôi theo quy chuẩn VietGAP; chuyển đổi từ nuôi lồng ở biển lên nuôi trên bờ sử dụng thức ăn công nghiệp nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, ngành thủy sản Khánh Hòa cũng đang tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết mặt nước, nuôi tôm hùm ở các vịnh, đầm; xây dựng rạn nhân tạo ở vịnh Nha Trang. Đồng thời, tạo liên kết giữa người nuôi tôm hùm với các đơn vị cung cấp yếu tố đầu vào doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh tôm hùm…