Các tỉnh phía Bắc được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, từ nhiều năm nay khu vực này vẫn chưa phát huy được hết lợi thế.
8 tháng đầu năm 2015, diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước ngọt tại các tỉnh miền Bắc 187.097 ha (tương đương 7,9% cùng kỳ năm 2014), sản lượng 318.508 tấn; diện tích nuôi tôm nước lợ 30.646 ha, sản lượng 13.532 tấn; nuôi nhuyễn thể 11.212 ha, sản lượng 61.653 tấn.
Nhiều thách thức
Ông Phạm Khánh Ly, Phó vụ trưởng Vụ NTTS (Tổng cục Thủy sản) cho biết, các tỉnh phía Bắc có nhiều tài nguyên phong phú, mạng lưới sông ngòi dày đặc ở hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình, thuận lợi cho phát triển NTTS và phát triển đa dạng loài, đa dạng đối tượng nuôi. Cùng đó, các tỉnh ven biển miền Bắc còn có điều kiện phát triển nuôi một số đối tượng chủ lực phục vụ xuất khẩu và có giá trị kinh tế cao (như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, cá vược, cá giò, hàu, tu hài, ốc hương…). Thị trường tiêu thụ các đối tượng này rất tốt do các tỉnh gần Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, những nơi có nhiều nhà hàng và lượng khách du lịch lớn. Nhưng, đặc trưng khí hậu miền Bắc là có mùa đông lạnh kéo dài, đã trở thành thách thức không nhỏ cho NTTS vùng này. Mặt khác, do đặc thù một số tỉnh miền núi địa hình dốc bậc thang nên ao, ruộng để NTTS có diện tích nhỏ và manh mún; hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh, nuôi lồng ghép các loài, nuôi kết hợp vườn ao chuồng…
Miền Bắc có nhiều tiềm năng nuôi thủy sản nước ngọt – Ảnh: Vũ Mưa
Bên cạnh những bất lợi do điều kiện khách quan, NTTS miền Bắc còn đối diện nhiều khó khăn do chưa được đầu tư đầy đủ. Bà Nguyễn Thị Vĩnh An, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Tuyên Quang, cho rằng thiếu con giống là một trong những bất cập lớn của các vùng miền núi phía Bắc. Theo bà An, các loại cá giống đặc sản địa phương, như cá lăng chiên, được khai thác từ nguồn tự nhiên, đến nay đã đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Vì thế, tỉnh này rất cần được hỗ trợ về giống nhân tạo (nhất là giống bố mẹ).
Ông Lê Đức Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa lại cho rằng, quan trắc môi trường trong nuôi thủy sản vô cùng quan trọng, song hoạt động này vẫn chưa được thực hiện bài bản, đúng mức.
Giải pháp khắc phục
Theo ông Lê Đức Giang, để khắc phục khó khăn và phát huy lợi thế về NTTS khu vực miền Bắc, cần phải tập trung vào các giải pháp: phát triển nguồn nhân lực, cơ cấu tổ chức bộ máy, đầu tư trang thiết bị, tăng cường công tác quản lý, điều tra thị trường. Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Hà Tĩnh đề xuất cần xây dựng quy trình nuôi mới, quản lý dịch bệnh, cải tạo môi trường nuôi, có kế hoạch và đầu tư về con giống bố mẹ đạt chuẩn thay thế nguồn giống tự nhiên đang trước nguy cơ tuyệt chủng của một số loài thủy sản đặc sản.
Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia trong ngành, cần tập trung vào công tác quan trắc môi trường, đầu tư trang thiết bị, xây dựng quy trình quan trắc, tập huấn cho cán bộ và triển khai nhanh công tác dự báo, cảnh báo môi trường cho người NTTS. Các địa phương cần tập trung thực hiện quy hoạch phát triển NTTS đến năm 2020, tăng cường quản lý chất lượng giống thủy sản, nhất là công tác kiểm dịch giống, tổ chức tuyên truyền, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thủy sản cho nhân dân…
>> Các tỉnh miền Bắc có 454.109 ha diện tích nuôi thủy sản (trong đó, nuôi nước ngọt 383.999 ha, mặn lợ 70.110 ha). Ngoài ra, còn có hàng vạn ha mặt nước hồ chứa, hồ thủy điện, thủy lợi có thể phát triển nuôi cá lồng bè. Hàng năm, sản xuất được 5 – 6 tỷ con giống cá truyền thống, đáp ứng khoảng 90% nhu cầu thả nuôi toàn vùng. |