Sáng 16/10, tại TP Vinh (Nghệ An), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Nghệ An tổ chức hội thảo Nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP tại các tỉnh ven biển miền Bắc.
Những năm qua, tôm nuôi đóng góp lớn cho ngành thủy sản. Tuy nhiên, ngành nuôi tôm gặp nhiều thách thức và tiềm ẩn nhiều và tồn tại nguy cơ: con giống, dịch bệnh, rào cản kỹ thuật… Để đáp ứng nhu cầu thực tế giải quyết những tồn tại nghề nuôi tôm hiện nay thì giải pháp nuôi tôm theo quy phạm VietGAP để được cấp chứng nhận đang ngày càng phổ biến và tất yếu hiện nay. Đây là phương pháp tổng hợp nuôi trồng thủy sản bền vững được thực hiện bằng các Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng 9 mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP từ Quảng Ninh đên Thừa Thiên Huế, trong đó: Năm 2014 thực hiện 4 mô hình tại các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh; Năm 2015 thực hiện 5 mô hình tại các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên – Huế.
Kết quả, năm 2014, sơ bộ hạch toán các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP đều cho lợi nhuận. Đối với mô hình nuôi tại Quảng Ninh là 713 triệu đồng/ha, tại Hải Phòng là 800 triệu đồng/ha, tại Nghệ An 472 triệu đồng/ha, Hà Tĩnh là 647 triệu đồng/ha. Tại các điểm triển khai Quảng Ninh, Hải Phòng, trước khi thực hiện mô hình đã tiến hành điều tra 30 hộ/điểm để so sánh về hiệu quả kinh tế đối với các hộ không áp dụng nuôi theo VietGAP với mô hình nuôi áp dụng theo VietGAP. Cụ thể, lợi nhuận của mô hình nuôi theo VietGAP và không theo VietGAP tại Quảng Ninh 713/528,0 triệu đồng (tăng 35%), tại Hải Phòng 800/584 triệu đồng (tăng 36%), tại Khánh Hòa 579,6/427 triệu đồng (tăng 35%).
Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP tại Hà Tĩnh
Năm 2015, áp dụng VietGAP, các mô hình đã tiết kiệm được một số khoản chi phí do quá trình quản lý tốt hơn, như: Lượng thuốc, hóa chất dùng ít (do sức khỏe tôm tốt, môi trường ổn định hơn); kiểm soát thức ăn tốt; tiết kiệm được lượng điện sử dụng… Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế của 1 mô hình/1 ha thấp hơn nhiều so năm 2014, nguyên nhân là do giá bán thấp. Như mô hình tại Hà Tĩnh đạt trung bình 300 triệu đồng/ha, tại Quảng Ninh trên 600 triệu đồng/ha, tại Nghệ An trên 500 triệu đồng/ha.
Theo ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP có khả năng nhân rộng cao do hiệu quả kinh tế và những lợi ích mang lại. Tôm ít bị bệnh, hạn chế chi phí thuốc thú y; thị trường tiêu thụ sản phẩm tốt hơn trong khi chi phí nuôi không tốn kém hơn so với nuôi thông thường…
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền khẳng định quy trình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP là xu thế tất yếu. Mặc dù quy trình khiến người nuôi vất vả hơn nhưng an toàn, hiệu quả và góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Dựa trên các mô hình thí điểm, Tổng cục Thủy sản sẽ sớm kiểm tra, thẩm định và đưa vào tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật; các kinh nghiệm, bài học thành công cũng như khó khăn từ thực tế nuôi tại các địa phương để bổ sung những phương thức nuôi trồng hiệu quả… Bộ NN&PTNT đang xây dựng quy định hướng dẫn kỹ thuật về ứng dụng các sản phẩm hỗn hợp được dùng làm thức ăn chăn nuôi, danh mục các sản phẩm hỗ trợ cũng như hóa chất dùng để xử lý môi trường để vừa quản lý được việc cung ứng, sử dụng trên thị trường, vừa bảo vệ môi trường nuôi bền vững hơn.