Hợp tác xã Nhị Mỹ nuôi tôm hiệu quả cao

Chưa có đánh giá về bài viết

Diện tích và sản lượng nuôi tôm càng xanh ở xã Nhị Mỹ (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) không ngừng tăng; người nuôi tôm có thu nhập khá cao. Đầu tư thâm canh góp phần quan trọng tăng chất lượng và lợi nhuận nuôi trồng.

Lợi nhuận gấp 4 – 5 lần trồng lúa

Nhắc tới tôm càng xanh, người dân xã Nhị Mỹ không quên nhắc tới ông Bùi Văn Nắm, người thực hiện thành công mô hình đầu tiên tại đây năm 2001. Nền tảng đầu tiên là thành công với mô hình nuôi tôm trên đất lúa, năm 2000. Năm 2001 ông Nắm thử nghiệm nuôi tôm càng xanh thông qua việc thả nuôi tôm post, với mật độ 10 con/m2 con trên diện tích 2.000 m2. Ngay từ vụ đầu tiên, tôm càng xanh đã phát triển tốt, đạt trên 50%; tôm ít dịch bệnh; tận dụng được thức ăn sẵn có; tiết kiệm chi phí. Năm 2003, ông Nắm thực hiện đúng hướng dẫn của Trạm Khuyến nông huyện Cao Lãnh, từ khâu chọn con giống, kỹ thuật xử lý ao, thả con giống và chăm sóc tôm nuôi theo từng giai đoạn đến khi thu hoạch. Sau 6 tháng từ khi bắt đầu vụ nuôi, trừ chi phí, ông Nắm thu lãi khoảng 30 triệu đồng/ha. Từ đó, ông quyết tâm hơn với mô hình nuôi tôm càng xanh.

Năm 2007, Tổ hợp tác nuôi tôm Nhị Mỹ được thành lập, ông Nắm được các hộ nuôi tôm bầu làm tổ trưởng. Xã cũng được tỉnh chọn quy hoạch vùng dự án nuôi tôm càng xanh. Diện tích nuôi tôm được mở rộng đến hàng trăm ha. Đầu năm 2015, thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh theo hướng VietGAP trên quy mô tập thể với 58 hộ/81,86 ha, Tổ hợp tác nuôi tôm xã Nhị Mỹ được Tổng cục Thủy sản và Quacert (Trung tâm chứng nhận phù hợp) cấp giấy chứng nhận VietGAP, sản lượng khoảng 150 tấn/năm, đảm bảo chất lượng; nhờ đó giá tôm thương phẩm luôn cao, thị trường tiêu thụ ổn định; đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển cả quy mô và diện tích.

Kiểm tra tôm nuôi ở HTX Nhị Mỹ

Tháng 5/2015, Hợp tác xã (HTX) ra đời, bước đầu huy động vốn điều lệ được hơn 100 triệu đồng, kinh doanh trên lĩnh vực liên kết sản xuất và tiêu thụ tôm, dịch vụ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y. HTX hiện có 150 ha nuôi tôm, 2 năm 3 vụ; cùng với hướng dẫn của các ngành chuyên môn và kinh nghiệm của các hộ nuôi, năng suất trung bình khoảng 2 tấn/ha, lợi nhuận gấp 4 – 5 lần so với trồng lúa. HTX hiện có 52 xã viên. Từ năm 2014 đến nay, các hộ nuôi tôm xã Nhị Mỹ thu lợi nhuận 80 – 100 triệu đồng/ha/vụ, có hộ 120 – 140 triệu đồng/ha/vụ. Quy mô, diện tích nuôi tôm ở Nhị Mỹ ngày càng lớn.

Sớm giải quyết khó khăn

Với mong muốn phát triển sản xuất, mở rộng diện tích, đem lại hiệu quả hơn nữa trong nuôi tôm, thời gian tới, ông Nắm và các thành viên HTX mong muốn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất theo hướng an toàn cho các hộ nuôi.

Ông Nắm cho biết: HTX ra đời nhằm gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo điều kiện cho nông dân được học hỏi kinh nghiệm, mô hình nuôi tôm hiệu quả; chọn giống, thức ăn, chế phẩm sinh học với giá phù hợp; ký kết với các công ty bao tiêu tôm với giá ổn định. Khó khăn hiện nay, HTX chỉ là đầu mối giao dịch giữa hộ nuôi tôm và thương lái, chưa đảm bảo được đầu ra ổn định. Thời gian tới, HTX cần tăng cường tập hợp thêm các hộ nuôi tôm, phối hợp với các nhà chuyên môn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh cho nông dân. Khi có sản lượng ổn định, HTX sẽ kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ.

Ông Huỳnh Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Nhị Mỹ: Xã mong tỉnh tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng nuôi tôm, nhất là hỗ trợ tìm doanh nghiệp có tâm có tầm đầu tư từ ao nuôi đến thị trường tiêu thụ.

Để việc nuôi tôm phát triển bền vững, hiệu quả thiết thực hơn, những vấn đề về quy hoạch, sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm, ngành chức năng cần sớm tìm biện pháp, kết hợp với cơ quan chuyên môn tháo gỡ khó khăn.

>> Ông Bùi Văn Khương, xã viên HTX Nhị Mỹ cho biết, HTX cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi, hệ thống điện, nước… Đồng thời, cần sự hỗ trợ giúp đỡ trong chuỗi giá trị sản phẩm, từ tiêu thụ đến nuôi trồng. Đặc biệt, hệ thống điện cần sớm được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện, để phục vụ nuôi tôm; nếu không có điện thì không thể triển khai nuôi tôm.

Minh Dương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!