Một điểm sáng trên bản đồ cá cảnh thế giới

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành cá cảnh Đài Loan là một kiểu mẫu nghiệp công nghệ cao được đầu tư bài bản nhờ ứng dụng công nghệ sinh học và là gương điển hình cho nhiều nước noi theo.

Dịch vụ tốt

Người nuôi cá cảnh ở Đài Loan được ví như những nhà tạo mốt trong làng thời trang. Màu sắc và hình dáng cá luôn được đầu tư nghiên cứu sâu và kỹ trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm tạo ra những sản phẩm đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Cá cảnh nuôi ở Đài Loan giá thường cao gấp đôi mức trung bình nhờ chất lượng vượt trội, sự độc đáo, sáng tạo trong từng sản phẩm. Ngoài nuôi và bán cá. Nhiều trại cá cảnh ở Đài Loan còn nhận cung cấp thiết bị đi kèm như bể nuôi, cây trồng thủy sinh, thức ăn, thuốc và hệ thống trợ giúp cá. Doanh số bán các mặt hàng này thậm chí cao hơn doanh số bán cá.

Các trại cá lớn đều tập trung ở phía nam Đài Loan. Cá Ali châu Phi được nuôi nhiều nhất (chiếm 33% tổng số lượng, tiếp theo là cá Hồng Két (chiếm 25% tổng số lượng) và cá Ali Nam Mỹ (chiếm 20%). Theo ông Chu Tah-wei, Viện trưởng Viện Nuôi trồng thủy sản, Đại học Hải dương Quốc gia Cao Hùng, Đài Loan nuôi được hơn 400 loài cá cảnh và dư sức cung cấp các loài cá cảnh quý nhất thế giới. Khí hậu thích hợp cũng là một lợi thế tự nhiên giúp Đài Loan phát triển ngành cá cảnh. Đài Loan được đánh giá là nước cung cấp cá cảnh tốt nhất nhờ dịch vụ mua hàng trọn gói một lần, giao hàng nhanh, kỹ thuật đóng gói hàng tiến bộ, tỷ lệ hư hại luôn dưới 5% trong vận chuyển.

Hội chợ cá cảnh quốc tế tại Đài Loan

 

Đầu tư bài bản

Nhắc đến cá cảnh Đài Loan và những dấu ấn đậm nét trên thị trường quốc tế, người ta nghĩ ngay đến Trung tâm điều hành nuôi trồng thủy sản khu công nghiệp Kỹ thuật sinh học nông nghiệp Ping-Tung (PABP) cách Đài Bắc 380 km. Năm 2013, khi mô hình kinh tế tự do thử nhiệm (FEPZ) được đưa ra, PABP là một trong 8 khu kinh tế thử nghiệm và sớm thu hút sự tham gia của 17 công ty chuyên cá cảnh. Trong mô hình FEPZ, cá cảnh được quan tâm đặc biệt, trong kế hoạch giúp Đài Loan thay đổi nền kinh tế và tận dụng cơ hội khi gia nhập “cuộc chơi” toàn cầu. 

Các nhà hoạch định chính sách Đài Loan đã đặt ra nguyên tắc phát triển riêng cho ngành cá cảnh theo hướng tạo giá trị gia tăng cao nhưng không hy sinh môi trường. Ngành cá cảnh là một trong 6 ngành nông nghiệp kỹ thuật cao nằm trong chiến lược phát triển của Đài Loan. Công nghệ sản xuất, nhân giống trong ngành này luôn được chú trọng. Tới thăm PABP, khách hàng đều ấn tượng trước những con tôm cảnh nhỏ xíu, thân chỉ nhỉnh hơn cánh trà khô nhưng giá tới 20 USD/con; tôm giống bố mẹ giá cao gấp 1.000 lần. Công nghệ biến đổi gen cũng giúp trung tâm này có nhiều sản phẩm độc nhất vô nhị với nhiều loại cá cảnh màu hồng, tím, xanh dương đậm phát quang trong những căn phòng tối. Hằng năm, Đài Loan tổ chức Hội chợ cá cảnh quốc tế để quảng bá sản phẩm cá cảnh Đài Loan tới khắp thế giới.

Các trại nuôi cá cảnh tại Đài Loan luôn sử dụng nước sạch và thường xuyên kiểm tra chất lượng nước theo tuần, quý. Nước thải được xử lý thông qua nhà máy xử lý chất thải đạt chuẩn quốc tế. Trại nuôi tích hợp đủ hệ thống sản xuất hiện đại và khép kín từ kiểm dịch, con giống, giao hàng, văn phòng và khu sinh sống của công nhân. Năm 2003, Đài Loan sản xuất thành công cá phát quang biến đổi gen đầu tiên trên thế giới – được Tạp chí Times bình chọn là một trong 40 sáng chế độc đáo nhất hành tinh.

>> Theo Bộ Nông nghiệp Đài Loan, giá trị xuất khẩu cá cảnh tăng từ 830 triệu TWD (25 triệu USD) lên 1 tỷ TWD (30,8 triệu USD) năm 2013. Đài Loan sẽ tiếp tục định hướng xuất khẩu, mở rộng thị phần tại thị trường cá cảnh quốc tế, đưa Đài Loan trở thành một trong những nguồn cung cá cảnh chủ lực của thế giới.

Tuấn Minh

Taiwantoday

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!