Tạo cú hích mới cho cá cảnh Việt Nam

Chưa có đánh giá về bài viết

Việt Nam có đủ điều kiện cần thiết để phát triển ngành cá cảnh. Tuy nhiên đến nay, thị trường cá cảnh Việt Nam còn khá im ắng, trong khi tình hình xuất khẩu vẫn ở mức khiêm tốn.

Trầm lắng và nghèo nàn

Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những địa phương phát triển nghề nuôi và xuất khẩu cá cảnh sớm tại Việt Nam. Sở dĩ như vậy là khi thành phố này bước vào thời kỳ đô thị hóa, đất đai thu hẹp và người nông dân cần phải có những nghề nghiệp mới, phù hợp hơn với cư dân đô thị, ngành nông nghiệp đã xem việc nuôi trồng xuất khẩu cá cảnh là một hướng đi quan trọng giải quyết công việc và thu nhập cho người nông dân.

Mặt khác, theo lãnh đạo của thành phố khi đó nhận xét, nghề nuôi cá cảnh vốn có từ lâu trong các đô thị của Việt Nam, bởi vậy nguồn nhân lực chất lượng cao với các nghệ nhân, các gia đình có truyền thống, thú chơi cá cảnh, các nhà nghiên cứu văn hóa cũng góp phần giúp nghề nuôi cá cảnh tại đây có bước phát triển mới trong thời kỳ hội nhập.

Nghề cá cảnh ở nước ta chưa thực sự phát triển – Ảnh: Ngọc Hà

Tuy vậy, theo một thống kê thì tại TP Hồ Chí Minh, nơi nghề cá cảnh thịnh vượng nhất, có tới 63,3% số hộ kinh doanh cho biết là họ đạt thu nhập thấp hơn những năm trước. Khảo sát cũng cho thấy cá cảnh được bán khá nghèo nàn về chủng loại, trong đó chủ yếu là cá vàng, chép Nhật, cá ông tiên… Sau những thời kỳ “mốt” được nhiều người ưa chuộng, nay chúng không còn thu hút người chơi như trước. Các loài cá biển nói chung không được tiêu thụ phổ biến. Chỉ 7/40 hộ kinh doanh buôn bán cá biển và chỉ còn 22 loài được bán giảm gần 50 loài so với những năm trước. Các tác giả ở Khoa Thủy sản, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh cũng cho biết chỉ có khoảng 30 loài được sản xuất phổ biến tại thành phố mà chủ yếu các hộ vừa buôn bán vừa làm giống.

 

Cần một “đòn bẩy”

Theo thống kê, năm 2014, xuất khẩu cá cảnh của TP Hồ Chí Minh đạt hơn 10 triệu USD và chỉ tăng 3% so với năm 2013. Sản phẩm chủ yếu xuất vào châu Âu và Mỹ nhưng “chưa có thương hiệu” và “bị kiểm soát nghiêm ngặt”. Mặc dù, xuất khẩu cá cảnh đạt 11, 24 triệu con, nhưng giá trị xuất khẩu chưa cao. Mục tiêu của thành phố là xuất khẩu 100 triệu con để thu về khoảng 40 triệu USD trong năm 2015, như vậy sẽ cần đến những “biện pháp mạnh” mới hy vọng đạt được.

Nghề nuôi cá cảnh có thể nói là một trong những nghề “nông nghiệp thông minh”, vì nó không cần nhiều diện tích và giá trị rất cao. Chẳng hạn ở quốc đảo Singapore mỗi năm xuất khẩu 300 triệu USD cá cảnh. Những người buôn bán và chơi cá cảnh đều nhận định Việt Nam không thua kém gì Singapore về nguồn tài nguyên, nếu không nói Việt Nam có nguồn cá cảnh phong phú dồi dào hơn, có nguồn nhân lực và có thị trường buôn bán thủy sản khắp thế giới.

 Việt Nam chiếm nhiều ưu thế hơn các quốc gia khác nếu như người ta biết rằng trước năm 1975, Sài Gòn là một trong những trung tâm cá cảnh uy tín của khu vực. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu cá cảnh vào châu Âu chiếm 73% tiếp theo là xuất khẩu vào Mỹ. Nếu so với các nước Đông Nam Á thì con số xuất khẩu 50 – 60 triệu USD cá cảnh mỗi năm là khả thi với Việt Nam trong thời gian tới, song thực tế tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam có thể còn cao hơn, vì thú chơi cá cảnh tại Việt Nam thuộc loại “có tiếng tăm” trong khu vực. Tuy vậy, đến nay thì giới chơi cá cảnh chủ yếu bỏ tiền ra mua cá về để chơi, hơn là để kinh doanh. Các cửa hàng cá cảnh cho chúng tôi biết, nhiều người Việt Nam sẵn sàng bỏ tiền trăm triệu, để săn lùng những con cá đẹp tầm cỡ từ các nước Đông Nam Á về để chơi, nhưng việc nhân giống, nâng cấp giống và chủng loại để xuất khẩu còn rất hạn chế. 

 

Phải thay đổi

Nghề xuất khẩu cá cảnh tại Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là dựa vào các hợp đồng do các đối tác nước ngoài tìm đến, đặt hàng, hơn là việc các doanh nghiệp chủ động tìm thị trường. Do vậy, khi các thị trường đã bão hòa với các giống cá cảnh vốn dĩ không phải là quá phong phú về chủng loại và giá cả, sẽ dẫn đến việc tiêu thụ chậm và tăng trưởng chậm. Mặc dù, hàng năm các hội chợ, hội thi cá cảnh được tổ chức, thu hút nhiều người tham gia, song những hội thi lớn, những triển lãm tầm cỡ khu vực và thế giới thì chưa thực hiện được như một số nước vẫn làm. Người nông dân Long An cho biết việc thu lãi 500 triệu đồng/ha cá cảnh là điều có thể đạt được không mấy khó khăn nếu thị trường cá cảnh được mở rộng và thương hiệu cá cảnh Việt Nam được chú ý hơn. Thành phố Mỹ Tho cũng có gần 70 cơ sở kinh doanh cá cảnh. Bên cạnh các loài cá phục vụ trong nước như cá chép vàng thả dịp cuối năm, hay các loại cá cảnh nuôi trong các gia đình, nhiều hộ gia đình cũng bắt đầu đầu tư lớn để phục vụ cho xuất khẩu.

Tiếp xúc với các hộ buôn bán cá cảnh, chúng tôi được biết người nuôi cá cảnh đều biết ở Việt Nam có không ít loài cá quý hiếm rất được người nước ngoài quan tâm thậm chí săn lùng, nhưng việc nhân giống, thuần hóa, thương mại hóa các loài giống cá bản địa vẫn còn rất hạn chế. Bản thân những người buôn bán cá cảnh ở quy mô hộ gia đình thì rất khó thực hiện việc thuần hóa và thương mại hóa các giống cá cảnh quý hiếm.

>> Một điểm yếu của ngành cá cảnh Việt Nam là việc sản xuất bể hay nuôi trồng rong rêu, thiết kế các bể cá cảnh xuất khẩu chất lượng cao chưa được quan tâm nhiều, đa số đều nhập ngoại. Trong khi, giá trị và lợi nhuận từ việc này là nguồn thu rất lớn trong ngành cá cảnh. 

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!