Chật vật nghề nuôi tôm hùm

Chưa có đánh giá về bài viết

Tôm hùm có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ phát triển, nghề nuôi tôm hùm vẫn chật vật khi bị động về nguồn giống, dịch bệnh ngày một nhiều và thị trường lẫn giá cả quá bấp bênh…

Thiếu quy hoạch

Sản lượng tôm hùm nuôi của Việt Nam đang có xu hướng tăng sau mỗi năm; năm 2012 khoảng 1.400 tấn. Tôm hùm phát triển mạnh từ sau năm 2000, đến nay tiếp tục phát triển, song chủ yếu do người dân nuôi tự phát, chưa có quy hoạch.

Nghề nuôi trồng thủy sản nước mặn vùng ven bờ cũng giải quyết nhiều việc làm cho các hộ gia đình ở Phú Yên. Dân làng Phước Lý không có đất đai gì, cuộc sống khó khăn, nhưng nhờ phát triển nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài mà trong làng có hàng trăm tỷ phú. Thị xã Sông Cầu 1.997 hộ nuôi tôm hùm, với hơn 26.000 lồng nuôi.

Các đảo cũng là nơi có thể phát triển nuôi tôm hùm. Huyện Lý Sơn đang có hàng trăm lồng nuôi tôm hùm. Cửa biển cũng là nơi tôm hùm phát triển tốt. Hiện có khoảng 53.000 lồng nuôi tôm hùm, đem lại nguồn thu 4.000 tỷ đồng/năm cho ngành thủy sản. Song nhiều người lo ngại, với sản lượng tôm hùm 1.600 tấn/năm, cung đã có dấu hiệu vượt cầu, mặc dù so với những năm 2000 sản lượng chỉ tăng khoảng 100 tấn. Đó là do đầu ra cho tôm hùm rất khó khăn.

 

Đầu ra bấp bênh

Tại những vùng nuôi tôm hùm lớn, sản phẩm đang chủ yếu được bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Một số thời điểm giá tôm bán ra rất thấp, như giữa năm nay, giá tôm giảm 30% so cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng và diện tích nuôi trồng không phát triển là bao, nhưng giá bán tôm vẫn giảm, trong khi chi phí nuôi tăng.

Khoảng 80% tôm hùm Khánh Hòa xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhiều người cho rằng thương lái đang thao túng thị trường, bởi vẫn sản lượng ấy, thị trường ấy, nhưng giá thất thường và thương lái quyết định. Tỉnh Khánh Hòa kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch, nhưng khách hàng Trung Quốc thích xuất khẩu tiểu ngạch. Người dân lo là phải, bởi ngay cả lúc tôm bị bệnh chết khoảng 30%, giá tôm vẫn giảm.

Chật vật nghề nuôi tôm hùm

Nuôi tôm hùm bông ở Cam Ranh, Khánh Hòa – Ảnh: Đoàn Quang Đức

Xuất khẩu tiểu ngạch không tuân thủ những tiêu chí nghiêm ngặt trong truy xuất nguồn gốc, đã dẫn đến việc nuôi trồng tôm hùm cẩu thả, chụp giật, khiến tôm chết khá nhiều. Tôm bị dịch bệnh trong môi trường nuôi thả là các vịnh, các cửa sông có thể ảnh hưởng đến môi trường; ô nhiễm môi trường sẽ là mối đe dọa đối với đa dạng sinh học vùng ven biển, cửa sông. Năm 2007 dịch bệnh tôm hùm xảy ra lớn. Năm 2015 dịch bệnh cũng xuất hiện nhiều nơi khiến người dân trắng tay. Từ đầu năm 2015 đến nay, tại các vùng nuôi ở Phú Yên, tỷ lệ tôm hùm nuôi mắc bệnh khá cao, tôm chết 25 – 30%.

Bên cạnh đó, vì tôm hùm giống phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, tình trạng khan hiếm tôm hùm giống vẫn diễn ra. Mỗi năm cả nước khai thác được 7,5 – 9 triệu con tôm hùm giống ngoài tự nhiên nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu người nuôi nên giá tôm hùm giống cao, đến 350.000 đồng/con. Việt Nam phải nhập tôm hùm giống. Người nuôi tôm hùm gặp khó khi tìm tôm giống về thả nuôi, nên khi nuôi thành tôm thương phẩm, khách hàng Trung Quốc không mua hoặc mua với giá rẻ thì người nuôi tôm thua lỗ; việc tái đầu tư, mở rộng sản xuất vì thế rất khó.

Nuôi trồng trên biển cần nhiều tiêu chuẩn khắt khe về môi trường hơn trong bờ và việc phụ thuộc xuất khẩu tiểu ngạch khiến quá trình hiện đại hóa ngành nuôi tôm hùm Việt Nam rất khó thực hiện.

 

Thiếu hỗ trợ từ doanh nghiệp

Trong nuôi và xuất khẩu tôm sú, tôm thẻ chân trắng, vai trò doanh nghiệp rất rõ, khi họ không chỉ tham gia nuôi trồng mà còn chế biến và xuất khẩu. Ngược lại, trong lĩnh vực nuôi tôm hùm, phần đa lồng nuôi tôm là của các hộ gia đình nhỏ lẻ, tự phát; còn xuất khẩu thì phần nhiều phụ thuộc đầu nậu Trung Quốc.

Nông dân đầu tư ít, lãi ít, nên khó tự chủ thị trường, chỉ còn biết trông cậy vào thương lái, thương gia Trung Quốc. Do không có các nhà máy bao tiêu sản phẩm, không có các công ty xuất nhập khẩu hỗ trợ nên nhiều thời điểm giá tôm hùm Việt Nam xuống chỉ còn bằng 50% trước đó.

Nhiều ý kiến cho rằng cần quy hoạch vùng nuôi, tránh manh mún, tự phát. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến các nhà quản lý, kể cả bộ chủ quản, đề cao vai trò các doanh nghiệp, các công ty chuyên xuất nhập khẩu. Việc để cho thương nhân Trung Quốc gần như độc quyền thao túng việc tiêu thụ và giá tôm hùm, một phần là do các doanh nghiệp Việt Nam bỏ ngỏ trận địa, chỉ quan tâm tôm sú, tôm thẻ.

Nhiều người cho rằng xuất khẩu tôm hùm sống rất phức tạp, khó làm, mạo hiểm và khác hẳn việc xuất khẩu tôm đông lạnh. Tuy vậy, trong thực tế, các nước xa xôi, thậm chí ngoài châu Á, như Mỹ và Nam Phi vẫn xuất khẩu tôm hùm vào Trung Quốc, Hồng Công, Nhật Bản… thành công. Một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã xuất khẩu tôm sống sang Trung Quốc, kết quả tốt. Phải chăng do “chữ tín” chưa nhiều nên doanh nghiệp Việt Nam chưa mặn mà với thị trường tôm hùm Trung Quốc?  

Một vấn đề khác cũng được đặt ra, tiêu thụ tôm hùm đang có xu hướng tăng ở nhiều thị trường, như EU. Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia các thị trường mới để bớt lệ thuộc thị trường Trung Quốc. Tiêu thụ nội địa cũng là một hướng tiêu thụ đáng quan tâm. Khách hàng thường phàn nàn, tôm hùm tiêu thụ nội địa bị bơm tạp chất, một số tôm có dấu hiệu chết trên đường vận chuyển và việc tiêu thụ không ổn định. Thông thường chỉ khi tôm hùm xuất khẩu bị ách tắc thì các đầu nậu mới quay sang tiêu thụ nội địa, do đó chưa tạo được thói quen tiêu dùng và không có thị phần ổn định tại các thành phố lớn, nơi mức sống người dân ngày càng cao.

>> Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2014, tổng số lồng nuôi tôm hùm tại các tỉnh miền Trung 53.000, sản lượng trung bình gần 1.600 tấn. Tỉnh có sản lượng nuôi tôm hùm lớn nhất là Khánh Hòa với 884 tấn, tiếp đến là Phú Yên 630 tấn.

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!