Nếu giai đoạn năm 2010 – 2011 được xem là thời kỳ “hoàng kim” của vùng chuyên canh tôm càng xanh huyện Tam Nông thì năm 2015 được đánh giá là giai đoạn khó khăn đối với người nuôi tôm càng xanh.
Những năm trước, mùa lũ là thời điểm “ăn nên làm ra” đối với nhiều hộ nuôi tôm càng xanh, nhưng vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên việc canh tác của người dân vùng chuyên canh tôm càng xanh Tam Nông càng ngày gặp khó khăn.
Năm 2011, diện tích ao nuôi tôm càng xanh toàn huyện khoảng trên 800 ha thì hiện nay chỉ còn trên 230 ha. Phần lớn nông dân bỏ nghề là do không còn chi phí để đầu tư tái sản xuất.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh – Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông phân tích: diện tích nuôi tôm càng xanh giảm mạnh trong thời gian qua là do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân, trong đó sự tác động của biến đổi khí hậu khiến cho tôm càng xanh chậm phát triển, chất lượng đầu con không đạt là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc giảm diện tích. Cũng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên mực nước lũ khá thấp hoặc có những năm hầu như không có lũ như năm nay nên tôm không thể phát triển; nắng nóng kéo dài, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng và phát triển của tôm càng xanh. Ngoài ra, thời gian qua do không có công ty bao tiêu sản lượng ổn định nên tình trạng thương lái ép giá vẫn còn diễn ra thường xuyên, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ.
Nông dân vùng chuyên canh tôm càng xanh huyện Tam Nông đang đối mặt với nhiều khó khăn
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, trong kế hoạch Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, huyện phấn đấu xây dựng vùng chuyên canh tôm càng xanh đạt 3.000 ha. Tuy nhiên, tình hình sản xuất thực tế ở vùng chuyên canh tôm càng xanh của địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn cần được tháo gỡ.
Là một trong những người đầu tiên gắn bó với nghề nuôi tôm càng xanh ở vùng chuyên canh tôm càng xanh xã Phú Thành B, ông Huỳnh Văn Thảo chia sẻ: “Những năm trước đây, tranh thủ mỗi mùa nước nổi gia đình tôi kiếm lời vài trăm triệu đồng nhờ nuôi tôm càng xanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây điều kiện nuôi ngày càng khó khăn, năm 2012 và 2013 tôm thả nuôi chừng 3 tháng đang phát triển rất tốt bỗng chết hàng loạt. Tìm hiểu mới biết, hộ trồng lúa cặp ao nuôi vừa phun thuốc, khiến tôm thiếu ôxy hô hấp, nổi đầu chết hàng loạt. 2 năm liên tiếp gia đình lỗ gần 900 triệu đồng. Năm 2014, lũ thấp, tôm chậm lớn, lại bị thương lái ép giá nên cũng không có lời. Năm nay, tình hình còn gay go hơn khi lũ không về, hiện tại tôm gần 4 tháng nhưng vẫn chưa xuất bán, do còn quá nhỏ”.
Cũng tại vùng nuôi tôm càng xanh xã Phú Thành B, theo phản ánh của nhiều hộ nuôi tôm, tình trạng nhiều hộ nuôi cá tra xả nước thải ra kênh An Bình (đoạn ô bao số 15) của huyện Tam Nông gây nhiều bức xúc cho người nuôi tôm. Ông Lê Văn Tân – Giám đốc Hợp tác xã tôm càng xanh Phú Long, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông bày tỏ, hiện nay, tình trạng tôm thả nuôi tại vùng chuyên canh đang giảm sản lượng rất nghiêm trọng. Nếu như 5 năm trước, trung bình 1ha nuôi có thể thu hoạch từ 2 – 3 tấn tôm, thì hiện tại chỉ còn khoảng 1,2 – 1,4 tấn/ha. Do không có chuyên môn phân tích nên nông dân không biết là do yếu tố nào tác động: nguồn nước, con giống hay thời tiết. Chúng tôi rất cần có sự hỗ trợ từ các nhà khoa học nhằm giúp người nuôi tôm yên tâm và chủ động hơn”.
Theo ông Lưu Văn Tiến – Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông, muốn thực hiện tái cơ cấu đối với ngành hàng tôm càng xanh, địa phương cần đột phá ở 3 khâu: con giống, củng cố hoạt động của hợp tác xã, chủ động nguồn nước ở khu vực chuyên canh tôm càng xanh đối với những năm không có lũ và lũ thấp. Hiện tại, đối với khâu sản xuất giống, ngành nông nghiệp huyện kêu gọi được một cơ sở đầu tư sản xuất giống tại khu vực chuyên canh tôm càng xanh, nhằm chủ động hơn trong việc đảm bảo nguồn giống chất lượng, cung ứng với số lượng lớn. Hiện nay ngành nông nghiệp cũng đang tiếp tục kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực này. Ngoài ra, để chủ động nguồn nước tại vùng nuôi tôm, huyện đang triển khai dự án xây dựng đê bao khép kín ở xã Phú Thành B, quy mô 1.500 ha nhằm đưa lũ nhân tạo vào khu vực chuyên canh tôm càng xanh vào những năm không có lũ. Dự kiến, dự án sẽ được khởi công vào đầu năm 2016.