(Thủy sản Việt Nam) – Hỏi: Đối với các tàu cá hoạt động tại các vùng khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam, cần tuân theo những quy định gì?
Trả lời: Theo Khoản 2 Điều 5 Chương 2 Nghị định số 33/2010/NĐ-CP được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 31/3/2010 về Quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển, quy định đối với các tàu cá hoạt động tại các vùng biển khai thác thủy sản, trong vùng biển Việt Nam như sau:
– Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng.
– Tàu lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 CV đến dưới 90 CV khai thác hải sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại các vùng biển ven bờ và vùng biển cả.
– Tàu lắp máy có công suất chính dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy khai thác hải sản tại vùng biển ven bờ không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả.
– Ngoài quy định về công suất máy chính của tàu, tàu khai thác hải sản còn phải đáp ứng đầy đủ quy định về đảm bảo an toàn khi tàu hoạt động trên từng vùng biển.
Bến cá ở Hậu Lộc, Thanh Hóa Ảnh: Đăng Phạm
Ngoài ra, tàu các khai thác thủy sản dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ của tỉnh đó. Trừ trường hợp UBND của hai tỉnh có biển liền kề có thỏa thuận riêng về việc cho phép tàu cá tỉnh bạn vào khai thác thủy sản trong vùng biển ven bờ của tỉnh mình. Đồng thời, tàu cá hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi phải được đánh dấu để nhận biết. (Bộ NN&PTNT quy định cụ thể về dấu hiệu nhận biết đối với tàu cá hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi).
Ban Pháp Luật – Bạn Đọc