Cá nhụ bốn râu (cá nhụ) có tên khoa học là Eleutheronema tetradactylum và tên tiếng anh là Fourfinger Threadfin. Đây là loài cá lớn nhất trong nhóm cá nhụ. Cá phân bố ở Ấn Độ, Australia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Cá nhụ bốn râu (cá nhụ) có tên khoa học là Eleutheronema tetradactylum và tên tiếng anh là Fourfinger Threadfin. Đây là loài cá lớn nhất trong nhóm cá nhụ. Cá phân bố ở Ấn Độ, Australia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Cá nhụ là một trong những đối tượng thủy sản quan trọng của Kuweit, Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, và Indonesia. Ở mức độ thấp hơn, chúng có đóng góp cho thủy sản của Bangladesh, Myanmar, Camphuchia và Bắc Australia [4,6]. Trong tự nhiên, cá nhụ là một trong những đối tượng hải sản bị khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi ở một số quốc gia trong đó có Việt Nam.
Cá nhụ là một trong những loại hải sản có giá trị và được nhiều thị trường ưa chuộng. Ở Việt Nam, cá nhụ là một trong 4 loài cá quý và là một trong những đối tượng mới được lựa chọn cho mục tiêu đa dạng hóa các đối tượng nuôi biển. Nghiên cứu về cá nhụ được thực hiện từ 2009 tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I. Đến nay, nghiên cứu đã đạt thành công trong sản xuất giống và đã tạo ra sản lượng giống cá nhụ nhân tạo. Nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc sử dụng đối tượng cá nhụ trong cơ cấu đối tượng nuôi hải sản, nghiên cứu nuôi thương phẩm cá nhụ đã được thực hiện trong vài năm trở lại đây. Các kết quả nghiên cứu thu được cho thấy cá nhụ có khả năng thích nghi trong điều kiện nuôi thương phẩm.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Chuẩn bị ao nuôi
Ao sử dụng cho nuôi thương phẩm cá nhụ là ao lớn ngoài trời và có thể tích lớn (thể tích 2.200 m3 và độ sâu 1,8 m). Trước khi thả cá, ao được làm vệ sinh sạch các bờ thành, đáy ao. Ao được bố trí sục khí bằng máy quạt nước (750W) với số lượng 1 máy/ao.
2.2. Chuẩn bị nước cho ao nuôi
Nước sử dụng cho nuôi cá nhụ là nguồn nước biển tự nhiên. Trước khi đưa vào ao nuôi, nước biển được lưu trong ao lắng 2 – 3 ngày. Nguồn nước biển sử dụng đảm bảo các chỉ tiêu môi trường phù hợp cho nuôi cá biển [1].
2.3. Chuẩn bị cá giống cho nuôi thương phẩm
Cá giống được sản xuất tại Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc. Cá được nuôi đến cỡ 30 g thì sử dụng cho nuôi thương phẩm.
2.4. Mật độ nuôi
Thả nuôi ở mật độ 1 con/m3.
2.5. Thức ăn sử dụng
Sử dụng sản phẩm thức ăn cho cá biển của Công ty Ewos để nuôi thương phẩm cá nhụ. Thức ăn có hàm lượng đạm 48%. Cung cấp thức ăn có kích cỡ phù hợp với cỡ miệng của cá. Hàng ngày cho cá ăn vào 8 giờ và 15 giờ. Cho cá ăn thỏa mãn nhu cầu của cá (4 – 8% trọng lượng thân).
2.6. Chăm sóc và quản lý
Định kỳ thay nước ao nuôi một lần/tháng (thay 100% lượng nước trong ao). Vớt bỏ các váng bọt và các dị vật xuất hiện trong ao nuôi. Cá chết được vớt ra và ghi vào sổ nhật ký. Khi cho cá ăn, thức ăn được cung cấp từ từ cho đến khi cá giảm mức độ sử dụng thức ăn thì ngừng, không để dư thừa thức ăn. Chế độ quạt nước 14/24. Độ mặn theo môi trường tự nhiên, pH: 8 – 8,5; DO > 5 mg/lít; Nhiệt độ theo môi trường tự nhiên.
2.7. Các chỉ tiêu theo dõi
Tỷ lệ sống của cá nhụ nuôi thương phẩm; Tốc độ tăng trưởng của cá nhụ nuôi thương phẩm qua hai chỉ tiêu kiểm tra là khối lượng và chiều dài; Hàng tháng, thực hiện cân đo cá nuôi thương phẩm. Thu ngẫu nhiên 30 mẫu cá xác định các chỉ tiêu chiều dài, khối lượng.
Phương pháp xác định các chỉ tiêu
Tăng trưởng trung bình (AGR), tốc độ tăng trưởng đặc trưng (SGR):
Công thức tính các chỉ tiêu:
Tốc độ tăng trưởng đặc trưng [SGR (%/ngày)] về chiều dài và khối lượng của cá được xác định theo công thức:
Tốc độ tăng trưởng trung bình (ARG: g/ngày) về chiều dài và khối lượng cá được xác định theo công thức:
Trong đó: W1, W2: chiều dài và khối lượng cá ở thời điểm t1, t2
t1: thời điểm bắt đầu thí nghiệm (t1 = 0)
t2: thời điểm kết thúc thí nghiệm
Tỷ lệ sống của cá thí nghiệm được xác định theo công thức:
Trong đó: r: tỷ lệ sống của cá thí nghiệm
m: số lượng cá còn lại sau thí nghiệm
M: số lượng cá đưa vào thí nghiệm
Hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) cho nuôi cá nhụ thương phẩm
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Điều kiện môi trường
Kết quả theo dõi môi trường nuôi cá nhụ từ tháng 6/2014 – 10/2015 được thể hiện ở hình 2.
Trong điều kiện khí hậu miền Bắc Việt Nam, các yếu tố môi trường luôn có sự thay đổi đặc biệt giữa các mùa với nhau. Trong thời gian nuôi 18 tháng với điều kiện môi trường dao động tương đối mạnh nhiệt độ (20,6 – 31,6) độ mặn (19,5 – 30,5) kết quả ghi nhận cho thấy không có sự hao hụt số lượng bất thường trong quá trình thử nghiệm ngay cả khi nhiệt độ môi trường ở 180C.
Kết quả cho thấy cá nhụ là đối tượng có khả năng thích nghi rộng với một số yếu tố môi trường. Kết quả trên cũng được khẳng định trong các nghiên cứu của Lou (2015) khi cho thấy cá nhụ có thể thích nghi nuôi ở ngưỡng độ mặn 2 – 34‰ [5]. Kết quả nghiên cứu của Lou cho thấy cá nhụ có thể thích nghi ở các giá trị độ mặn môi trường 2,10, 18, 26 và 34‰. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy khi độ mặn tăng, tốc độ sinh trưởng của cá giảm. Ở độ mặn 2‰ cá sinh trưởng tốt nhất và ở 34‰ cá sinh trưởng chậm nhất.
3.2. Tỷ lệ sống của cá nhụ nuôi thương phẩm
Cá nhụ là một đối tượng mới được nghiên cứu và đưa vào nuôi thương phẩm, kết quả nghiên cứu cho thấy cá nuôi đạt tỷ lệ sống cao và tương đối ổn định trong quá trình nuôi (hình 3).
Sau 18 tháng nuôi tỷ lệ sống của cá đạt 77,6%. Kết quả cho thấy so với một số đối tượng cá biển nuôi khác (cá song, cá giò), cá nhụ nuôi thương phẩm có tỷ lệ sống tốt hơn. Một ưu điểm lớn của cá nhụ là trong quá trình nuôi không có sự xuất hiện dịch bệnh.
Tỷ lệ sống của cá nhụ thu được trong nghiên cứu không có sự khác biệt với nghiên cứu của Abu [3]. Kết quả thu được có sự sai khác với kết quả nghiên cứu của Trần Thế Mưu [2] khi đạt tỷ lệ sống 86,5 – 87,5%. Tuy nhiên nghiên cứu này chỉ được thực hiện trong thời gian 2 tháng nuôi.
3.3. Sinh trưởng của cá nhụ nuôi thương phẩm
Tăng trưởng của cá nhụ được cho bởi bảng 1, hình 4, hình 5.
Sau 18 tháng nuôi, nguồn giống cá thả ban đầu (30,1 ± 1,2 g, 18,8 ± 0,3 cm) khi thu hoạch cá đạt khối lượng 1.027 ± 270 g và chiều dài 35,3 ± 2,3 cm. Qua đồ thị trên cho thấy vào thời điểm mùa đông tốc độ tăng trưởng cá nhụ giảm hẳn.
Kết quả nuôi 18 tháng cho thấy từ cá nuôi ban đầu 30,1 g, cá đạt tốc độ tăng trưởng đặc trưng 0,654 g/ngày. Kết quả này cao hơn thí nghiệm nuôi lồng của Trần Thế Mưu [2] khi AGR chỉ đạt 0,505 – 0,531; tuy nhiên, kết quả thu được thấp hơn so với Abu [3] khi nuôi cá nhụ 45 ngày AGR đạt 1,3 – 1,6 g. Kết quả các nghiên cứu cho thấy có sự dao tộng về tốc độ tăng trưởng của cá nhụ nuôi thương phẩm ở các nghiên cứu. Một trong những nguyên do cho sự sai khác này là do nguồn vật liệu và thời gian sử dụng cho thí nghiệm. So với một số loài cá biển đang sử dụng nuôi thương phẩm ở Việt Nam, cá nhụ có tốc độ tăng trưởng chậm hơn.
3.4. Hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) cá nhụ nuôi thương phẩm
Kết quả nuôi thương phẩm cá nhụ cho thấy đây là đối tượng có hệ số chuyển đổi thức ăn khá cao, sau 18 tháng nuôi FCR của cá lên tới 2,73 (bảng 2)
Kết quả thu được cao hơn nghiên cứu của Trần Thế Mưu [2] khi nuôi cá nhụ thương phẩm cá nhụ tại bè có FCR 2,4. Hệ số thức ăn của cá nhụ trong thử nghiệm cao hơn nguyên do thời gian nuôi cá nhụ được thực hiện trong 18 tháng và trải qua điều kiện mùa đông có điều kiện môi trường không thuận lợi nên hạn chế khả năng sinh trưởng của cá.
4. Kết luận
Trong điều kiện khí hậu miền Bắc, sau 18 tháng nuôi thương phẩm tỷ lệ sống của cá nhụ đạt 77,6%; Từ cỡ cá 30,1 g sau 18 tháng nuôi trong điều kiện khí hậu miền Bắc cá đạt 1.027 g; Nuôi thương phẩm cá nhụ có SGR về khối lượng đạt 0,654 và AGR về khối lượng đạt 1,85 g/ngày; Hệ số chuyển đổi thức ăn cá nhụ nuôi thương phẩm FCR 2,73.
Tài liệu tham khảo:
1. QCVN 10:2008/TNMT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển ven bờ. Hà Nội 2008.
2. Trần thế Mưu, Vũ Văn sáng, 2013. Ảnh hưởng của thức ăn đến dinh trưởng và tỷ lệ sống của cá nhụ bốn râu (Eleutheronema tetradactylum) giai đoạn ban đầu nuôi thương phẩm Không có sự khác biệt giữa các nghiệm thức sử dụng thức ăn cho nuôi cá. Hệ số FCR 2,4. Tốc độ tăng trưởng trung bình dao động 0,508 – 0,531 g/ngày (nuôi bè), tỷ lệ sống 86,5 – 87,5%
3. Abu H. M.K, Idris.M.H, ương.S.K, Kibria.M.M, 2011. Growth and survival of Indian salmon Eleutheronema tetradactylum in brackish water pond. Giống cá nhụ được thu từ tự nhiên (36,14 g) và thả nuôi với mật độ 0,5con/m2, nuôi thử nghiệm trong 45 ngày với thức ăn là cá tạp. Kết thúc thí nghiệm trọng lượng cá thu được 65 – 75 g, và tỷ lệ sống đạt 70 – 80%.
4. Matthew.B.P, 2006. Characteristics of fish communities in coastal water of north – western Australia, including the biology of the threadfin Eleutheronema tetradactylum and Polydactylus macrochir. Murdoch University, Western Australia. Con đực thành thục cỡ < 169 mm, có tính chất lưỡng tính chuyển từ đực sang cái khi độ tuổi tăng. Cỡ ở năm 1 tuổi 30 – 311 mm ở tuổi 4+ có thể đạt 600 – 624 mm. Những năm đầu cá sinh trưởng nhanh có thể đạt 400 mm khi đạt 2 tuổi, giảm sản lượng khai thác.
5. Lou H, Li .W, Fu . R, Liu M, 2015. The effect s of salinity on the growth ò juvenile Eleutheronema tetradactylum and Na+/K+ – ATP Enzyme. Với cỡ cá ban đầu 7,82 g nuôi ở độ mặn 2,10, 18, 26 và 34‰ cho thấy khi độ mặn tăng, tốc độ sinh trưởng của cá giảm. ở độ mặn 2, cá sinh trưởng tốt nhất và ở 34, cá sinh trưởng chậm nhất.
6. Threadfins of the world, FAO species catalogue for fishery purpose No 3, 2004. Page 16 – 18.