(Thủy sản Việt Nam) – Việc xây dựng đội tàu cá hiện đại có đủ khả năng hoạt động ở các vùng biển xa bờ được đặt ra đối với ngành thủy sản nhằm thu nguồn lợi từ biển. Tuy nhiên, đi vào thực hiện không dễ.
Thực trạng
Cục KT&BVNLTS cho biết, hiện tại, đội tàu đánh cá nước ta có khoảng 130.000 chiếc, trong đó khoảng 64.000 chiếc có công suất trên 20 CV và khoảng 52.000 chiếc trên 90 CV. Lượng tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ ngày càng gia tăng với gần 23.000 tàu. Trong đó, tàu có công suất lớn trên 250 CV ngày càng phổ biến, không ít tàu đầu tư công suất trên 800 CV. Dù những tàu này được trang bị máy công suất lớn hoạt động đánh bắt xa bờ hàng trăm hải lý, song các tàu hiện vẫn chủ yếu đóng theo phương pháp truyền thống, ít có tính toán về kết cấu ổn định. Việc các tàu không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho đánh bắt dài ngày đã tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng ngư dân. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ hầu như thiếu khả thi khi áp dụng vào thực tế. Theo Quyết định số 289 của Chính phủ, tàu cá trên 90 CV đóng mới sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng để lắp máy. Tuy nhiên sau khảo sát, trong vòng 3 năm từ khi quyết định ra đời, chỉ có… 6 tàu cá lắp máy mới.
Nguyên nhân khiến ngư dân thiếu mặn mà với sự hỗ trợ này bởi Nhà nước “cho không máy” nhưng ngư dân vẫn phải bỏ ra số tiền mua máy ban đầu và chỉ được trả lại sau 3 năm. Việc này vượt quá khả năng kinh tế của ngư dân trong khi ngân hàng cũng không mặn mà cho ngư dân vay vốn đóng tàu. Do vậy, nếu mua máy cũ với số tiền bằng 1/3-1/2 giá máy mới sẽ phù hợp hơn với điều kiện của ngư dân, và chỉ cần 1-2 chuyến đi biển nếu được mùa sẽ thu được số vốn bỏ ra.
Đóng tàu tại Nghi Thiết, Nghệ An Ảnh: Huy Hùng
Hợp sức cùng làm
Bàn về các giải pháp hiện đại hóa tàu cá, ông Đặng Quang Huy – Trưởng Ban quản lý tàu cá (Cục KT&BVNLTS) cho rằng, trước mắt nên hiện đại hóa tàu đánh bắt cá xa bờ, khối tàu cá hoạt động ở các vùng biển xa, các tàu cá làm các nghề có giá trị kinh tế cao, các tàu cá tham gia vào việc bảo vệ chủ quyền trên biển… Còn ông Chu Tiến Vĩnh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản khẳng định: cần phải hiện đại hóa dần dần những con tàu chứ không thể xây dựng một đội tàu mới hoàn toàn. Đi kèm với việc hiện đại hóa tàu, cần điều tra đánh giá nguồn lợi để hướng dẫn ngư trường, đánh giá ngư trường cho từng tỉnh giúp người dân yên tâm ra khơi và ra khơi là chắc thắng… Phát triển đội tàu hiện đại cần được tiến hành song song giữa việc cải tạo, nâng cấp các tàu hiện có và đóng mới các tàu mới. Các cơ chế chính sách quản lý, bảo hộ hoạt động của ngư dân trên biển cũng như các cơ sở hạ tầng phục vụ cho tàu cá phải được xây dựng đồng bộ. Ngoài ra, cần phải ban hành thiết kế chuẩn cho mỗi loại tàu phù hợp với từng loại nghề và vùng hoạt động của tàu.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám: Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo điều kiện cho ngư dân, tuy nhiên để hỗ trợ hoàn toàn cho tất cả người đi biển là điều không thể. Vì vậy, phát triển tàu cá hiện đại được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Hải Linh