Chuyến công tác dài ngày trước Tết cổ truyền 2010 tại tuyến giữa – quần đảo Trường Sa với cánh làm báo ở đất liền đã thành một quãng dài kỷ niệm. Chuyến đi, tưởng như mọi chuyến đi trong nghề báo cho mình thêm bao người bạn, rất đặc biệt, trong lòng phải lập riêng một folder “bạn bè ở Trường Sa”.
Khoảnh khắc Hà Nội trên đảo Phan Vinh với Phùng Mạnh Dũng
Đảo Phan Vinh mùa ngược sóng tàu bè ra vào thật vất vả, thời điểm đó sóng Viettel cũng mới bắt đầu. Một tiểu đội pháo do Phùng Mạnh Dũng (Gia Lâm – Hà Nội) quản trách toàn là lính trẻ măng, tất cả đều hồn nhiên trong sáng và nhiệt thành. Chỗ ngủ nhường hết cho đoàn nhà báo, giờ ăn cũng muộn hơn thường lệ để ưu tiên khách, trời mưa gió anh em giăng mắc tăng võng ở những nơi nào có thể. Chớp nhanh góc ảnh sinh hoạt của bộ đội và công binh trên đảo, đương lúc phỏng vấn Dũng tôi thấy anh bật cười tràn ra cả khóe mắt khi được hỏi nhắc về một món ăn thân quen của Hà Nội “Nhớ bún riêu ốc vỉa hè Hà Nội quá anh ạ!”. Cuối bữa trưa hôm đó trời vẫn còn mưa, chúng tôi ngồi xúm xít dưới nền đất, trước lúc rời điểm A sang điểm B, Dũng yêu cầu tôi hát cho anh em nghe. Nhạc truyền thống, dân ca Nghệ An rồi âm hưởng ca trù viết về Hà Nội… Có cậu lính đỏ hoe mắt vì chợt nhớ nhà, có người thèm được nghe giọng nói con gái từ đất liền, cũng có chàng tân binh muốn sách ảnh và truyện tranh để đọc. Một cậu buông thõng một câu : “Cháu chỉ muốn lúc này giá mà có mẹ ra thăm để ôm một cái thật lâu cho đã nhớ!” Tất cả chợt im bặt, phút thinh lặng thẳm sâu mãi làm tôi day trở suốt lộ trình.
Sau Tết, tôi thực hiện lời hứa và tiếp nối các chuyến hàng quà tự nguyện do người nhà – người thân – anh chị em nhà báo địa phương – doanh nghiệp đóng góp mà người nhận là Dũng. Hễ quà tới tay, Dũng phân phát đều cho anh em nơi anh công tác, dù đó là Phan Vinh – Đá Đông – Đá Tây – Đá Thi hay các điểm đảo khác của Trường Sa. Nghe tin tôi mấy đợt ra Hà Nội tham dự các Liên hoan Phát thanh – Truyền hình Toàn quốc, từ đảo xa Dũng nhắn gửi người nhà tới nơi mời về thăm nhà, tiếp đãi y như một người thân thuộc. Rời đảo, anh được cử đi tu nghiệp tại Học viện Lục quân Đà Lạt và đang phụ trách một đơn vị chăm sóc điều dưỡng cho quân nhân tại Phú Yên. Từ câu hỏi bất chợt về một khoảnh khắc Hà Nội dạo nào trên biển Phan Vinh mùa ngược gió, chúng tôi trở thành người thân thiết. Nhiệt thành, sống tử tế có trước có sau với mọi người pha một chút lém lỉnh riêng – đó là những tố chất của chân dung người bạn lính này.
Trạm Hải đăng Tiên Nữ
Chuyện gặp ở Phan Vinh B với Lê Quang Minh
Lên tới Phan Vinh B cuối một chiều trời hãy còn giông gió. Chúng tôi đề nghị được hỏi chuyện một trường hợp có cảnh ngộ đặc biệt trên đảo. Ngót tháng trời liên lạc di động trên đảo bị hỏng hóc, anh em ai cũng ái ngại cho chiến sĩ trẻ Lê Quang Minh có con trai đầu lòng bị đau nặng cần đưa về Thành phố Hồ Chí Minh chữa trị gấp, vợ anh có nguy cơ mất việc trong lúc điểm trường nơi cô dạy học lại rất xa. Chúng tôi cầm điện thoại tay lên gọi cầu may (ở thời điểm đó không phải nơi nào ở Trường Sa cũng bắt được sóng liên lạc với đất liền). Trời ạ, có sóng. Mừng trào nước mắt nhất là khi nghe Minh reo lên run run, thằng bé con anh bệnh không quá nặng, mẹ anh ở quê đã vào cùng con dâu chăm cháu. Sau này khi gặp vợ chồng Minh, vợ anh nói lúc ấy nghe thấy tiếng chồng mừng quá bật khóc. Một cú điện thoại mà cả đảo vỡ òa lên trong niềm vui, Tết đến rồi, bữa cơm tối bỗng rộn vui còn hơn cả Tết. Ngay khi về tới đất liền, hai thành viên trong đoàn nhà báo chúng tôi đến nhà Minh, trò chuyện với các thầy cô trong trường, mọi chuyện sau đó ổn thỏa. Chúng tôi trở thành bạn thân của nhau từ dạo ấy. Minh sau chuyển công tác sang tàu Bệnh viện rồi tàu Kiểm ngư, vẫn gắn bó với biển trời, anh sống trách nhiệm với công việc và cũng rất nặng tình. Thi thoảng có dịp đến Cam Ranh – Nha Trang, chúng tôi lại tìm cách hội ngộ, thắp lại bao điều mới cũ.
Những giờ khó quên ở nhà đèn Tiên Nữ
Nằm ở phía cực Đông Tổ quốc, cách đất liền 350 hải lý, Tiên Nữ là hòn đảo xinh đẹp bậc nhất của Trường Sa, nơi đón ánh mặt trời sớm nhất của Việt Nam. Trong lúc toán nhà báo đua nhau quan sát bãi san hô lớn với hàng nước xanh trong vắt, nhóm chúng tôi gồm: Thiếu úy Trần Đình Hưng, nhóm trưởng Nguyễn Trung Quảng, nhà báo Xuân Trường và tôi được phép đáp xuống xuồng máy sang thăm tặng quà nhà đèn Tiên Nữ cách đó gần 3 hải lý.
Mất 45 phút băng qua những nhánh biển ngát xanh màu ngọc bích mới đến nơi. Nhác thấy xuồng của chúng tôi, anh Đỗ Văn Lợi lao nhanh ra kéo xuồng vào trong mép nước, vóc người lực lưỡng, đôi mắt thẳm sâu với nụ cười thật ấn tượng – Thật lạ cả 4 người đan ông trên nhà đèn đều có cặp mắt như thế. Chỉ có 4 người thay nhau túc trực làm nhiệm vụ coi sóc đèn biển nhưng quang cảnh nơi này thật ngăn nắp, sạch đẹp, có cả màu xanh của khá nhiều loại rau và đặc biệt rất nhiều sách. Chỉ huy Đoàn cho phép vài giờ nhưng chỉ mới thăm hỏi dăm ba chuyện đã thấy anh Bùi Ngọc Hưng bày biện sẵn sàng bữa cơm trưa, ở nơi xa xôi này hiếm khi có khách đất liền đến thăm nên anh em khẩn thiết mời mọc. Nể lời nài nỉ các nhà báo, nhóm trưởng Nguyễn Trung Quảng đồng ý ở lại dùng cơm trưa với tinh thần tranh thủ. Đây là đơn vị dân sự thuộc Xí nghiệp Bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo, tuy không phải là Bộ đội Hải quân nhưng công việc của họ cực kỳ quan trọng trong việc dẫn dắt – hướng dẫn di chuyển của nhiều tàu thuyền qua lại hằng đêm trên vùng Biển Đông.
Anh em trong đoàn phóng viên báo chí đến đảo Cô Lin
Để trụ được với công việc, cá nhân anh em cũng phải tự đấu tranh thường xuyên với bản thân cũng như bao mối hiểm nguy luôn rình rập chực chờ. Hiếu khách, xởi lởi là thế nhưng hễ tôi đưa máy ghi âm ra phỏng vấn, cứ thấy anh Lợi, anh Xuân nấp né, lảng tránh liên tục sang hướng khác. Nhận quà của Đoàn công tác xong, mọi người chia nhau một vài cốc rượu trắng gọi là mừng năm mới và dùng cơm. Bất chợt, anh Vũ Sơ Lưu – Trạm trưởng nói với chúng tôi: “Các anh nhà báo có viết gì thì viết, nhưng tốt nhất đừng có đề cập tới 4 chúng tôi ở đây đó!”. Tôi và Trường ngỡ ngàng khi nghe các anh giải thích lý do. Cách đây khá lâu có một người viết báo ra đây cùng đoàn đất liền, chụp hình, phỏng vấn, hỏi han lắm chuyện song khi trở về chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, thay vì đề cập tới những con người cụ thể bám trụ tại đây, bài viết của anh ta lại nhắc tới mấy chú khuyển ve vẩy đuôi nhìn thấy trên điểm đảo lúc tàu rời đi. Không ai bảo ai, nhìn những ánh mắt thất vọng giận dữ của mấy anh nhà đèn, tôi và Trường đứng bật dậy liên tục xin lỗi và nhận phần thiếu sót này về mình, dù chẳng biết người viết đó thật ra là ai.
Sau cái nháy mắt chớp nhoáng của Trường, biết tất cả các anh là người Hải Phòng, tôi xin phép hát tặng một bài ca viết về màu hoa phượng đỏ của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng (“Thời hoa đỏ”, thơ Thanh Tùng). Tất cả lặng thinh trong giây lát, mới sang phiên khúc thứ nhất, anh Lưu cầm chai đứng lên múa máy và hát theo, rồi tất cả đồng thanh vang vang theo điệp khúc “Mỗi mùa hóa đỏ về, Hoa như mưa rơi rơi…”. Không khí bỗng chốc trở nên thân tình hơn khi tôi và Trường liên tục nhận những cái bắt tay, cái ôm kèm theo ly rượu mời mọc của toán nhà đèn. Ở ngoài bến nước, tiếng một thành viên khác hối thúc phải nhanh chóng trở lại xuồng để kịp trở về đảo Tiên Nữ vì lịch công tác rất sát. Anh Lợi, anh Lưu, anh Xuân vẻ mặt ngậm ngùi, cứ thế theo chân chúng tôi xuống mép xuồng đầy luyến tiếc… Xuồng đi khá xa rồi, trên bờ cứ thấy anh Lưu vẫy tay mãi theo. Chẳng hẹn mà gặp, chúng tôi cũng mãi ngoái nhìn theo mà trong lòng cứ dâng lên nỗi xốn xang khó tả, Trường trách : “Lý ra ông phải thêm nhiều bài để hát tặng anh em, rõ tội!”. Xuồng phải đi ngược sóng nên mất gần 1 giờ mới về tại điểm tập kết. Cá nhân tôi thấm thía thêm một bài học nhớ đời khi tác nghiệp và thông tin… Đêm trăng trằn trọc trên đảo xanh Tiên Nữ, chúng tôi lại tiếc nuối nhiều điều vì giá như được ở lại lâu hơn để tác nghiệp thật sự đúng nghĩa một đêm ở nhà đèn Tiên Nữ, giá như có cơ hội trò chuyện nhiều hơn với những người lặng thầm đêm đêm trực gác đèn biển…
Thời gian sau đó, nhận được ảnh và quà gửi ra, anh Lưu gọi phone cho chúng tôi, trò chuyện rất lâu. Thi thoảng có thời gian, anh và các anh em lại liên lạc, thăm hỏi, thông báo tình hình công tác… Trở về đất liền sau nhiệm vụ, được cùng đơn vị lên Đà Lạt nghỉ dưỡng, anh Xuân – người trẻ nhất nhà đèn đã tìm cách gặp tôi. Chuyện cũ ôn lại, chuyện mới lại tiếp nối – nỗi nhớ Trường Sa trong chúng tôi có thêm một hình ảnh thân quen của những người lặng thầm canh đèn gác biển.
>> Dòng phác thảo về những người bạn lính khác của Trường Sa Trần Văn Hoài lính thông tin ở Núi Le B người gốc Hưng Nguyên – Nghệ An: Lầm lì, ít nói nhưng chất chứa tình cảm; người có thâm niên bám trụ khá lâu trên đảo, con gái chào đời chưa kịp biết mặt, bố đẻ qua đời mà không kịp về tang lễ… Là Nguyễn Trung Quảng, hiện là cán bộ Quân nhu Vùng D, nhiệt thành cởi mở, quán xuyến trong mọi việc; anh cũng là người hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc tiếp chuyển rau sạch do HTX Anh Đào đóng góp và nhiều đợt hàng quà ra hàng chục điểm đảo mỗi dịp giáp Tết hoặc ra Giêng. Là thuyền trưởng Nguyễn Minh Lành (tàu Trường Sa 14), lành như con gái, chúng tôi hay trêu anh “mụ nặn nhầm”, năng nổ táo bạo trong các quyết định trên tuyến hải trình. Nhớ hoài giọng thức ấm áp quen thuộc mỗi sáng của anh vang lên trên biển sáng: Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu… Một lần Lành bảo: “Đời chỉ có một nỗi sợ là khi dừng tàu ở Gạc Ma, sợ mỏ neo chạm phải nơi yên nghỉ của những đồng đội vẫn nằm lại nơi ấy”. Là Trần Văn Côn (nguyên Chính trị viên tàu Trường Sa 14), hiền lành, tận tâm và luôn chu đáo với mọi thành viên trong đoàn công tác. Sau này khi đã thân nhau chúng tôi mới biết họ cũng đều có gia cảnh đặc biệt, phải xa nhà khi vợ con ốm đau. Cảm ơn Trường Sa đã cho đời báo chúng tôi nhiều ân huệ – đó là được biết – được hiểu và được gắn kết với giá trị yên bình của sự sống nơi đất liền thông qua các thế hệ lính biển bình dị mà kiên trung. Để rồi cứ mỗi bận Xuân về Tết đến, những dòng phone thăm hỏi bật lên cứ như là quán tính: Alo Dũng hả? Minh à? Quảng sao rồi? Côn và Lành có khỏe không? Ăn Tết thế nào rồi ?! … |