5 nước xuất khẩu tôm lớn nhất

Chưa có đánh giá về bài viết

2015 là một năm khá ảm đạm với ngành tôm, sản lượng thấp, giá lao dốc. Tuy nhiên, nửa cuối năm 2015 tình hình khả quan hơn, nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại. Ecuador, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Ấn Độ vẫn là những nước xuất khẩu tôm đầu bảng.

Ecuador

Tháng 5/2015, Ecuador xuất khẩu 66,2 triệu pound tôm, tăng 15% so cùng kỳ 2014; xuất khẩu tôm sang 5 thị trường chính tăng 13,7% lên 279,6 triệu pound, tương đương tăng 33,7 triệu pound so cùng kỳ năm trước. Năm 2015, thị trường châu Á, đặc biệt Việt Nam là nhân tố quan trọng giúp Ecuador tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu tôm. Tôm Ecuador chiếm thị phần 42,4% tại châu Á, tương đương 118,4 triệu pound. Trong đó, xuất khẩu sang Việt Nam chiếm 106,6 triệu pound, tương đương 90%, gần gấp đôi khối lượng tôm xuất khẩu sang Việt Nam 5 tháng đầu năm 2014.

Từ năm 2013, xuất khẩu tôm Ecuador chuyển hướng thị trường mạnh mẽ. Thị phần tại EU và Mỹ đều giảm trong khi xuất khẩu sang châu Á tăng vọt, chủ yếu là Việt Nam. Thị phần tại EU – thị trường lớn nhất của tôm Ecuador cách đây 2 năm đã giảm từ 42,2% năm 2013 còn 27,4% năm 2015. Khối lượng xuất khẩu tôm Ecuardor sang EU cũng giảm 15% so năm ngoái; xuất khẩu sang Mỹ giảm 2% trong 5 tháng đầu năm 2015, kéo theo sự suy giảm mạnh thị phần tại thị trường này. Năm 2015, sản lượng tôm Ecuador 350.000 tấn, tăng 10.000 tấn so năm ngoái. 

5 nước xuất khẩu tôm lớn nhất

 

Thái Lan

2015 tiếp tục là năm khó khăn với ngành tôm Thái Lan, dù đã có một vài dấu hiệu phục hồi sau đại dịch EMS. Trị giá xuất khẩu tôm 5 tháng đầu năm 2015 của Thái Lan 591 triệu USD, giảm 13,7% so cùng kỳ 2014; trong đó xuất khẩu sang Mỹ 244 triệu USD, giảm 9,8%. Tuy vậy, đến tháng 10, xuất khẩu tôm tăng nhẹ dù lượng hàng xuất sang Mỹ vẫn giảm 8,3%, tương đương 56.489 tấn. Tôm Thái Lan phải cạnh tranh gay gắt về giá bán với tôm Ấn Độ, Indonesia và Ecuador tại thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ.

xuất khẩu tôm thái lan

Nhu cầu nhập khẩu tôm Thái Lan của Mỹ chưa tăng do lượng tồn kho từ năm 2014 vẫn cao. Nhật Bản nhập khẩu 145 triệu USD tôm Thái Lan, giảm 19,4% so cùng kỳ năm ngoái do kinh tế suy thoái. Xuất khẩu sang EU – thị trường tiêu thụ tôm lớn thứ 3 của Thái Lan đạt 43,8 triệu USD, giảm 53,7% so cùng kỳ 2014. Xuất khẩu tôm sang EU gặp nhiều trở ngại sau thông tin ngành tôm Thái Lan sử dụng bột cá của các tàu khai thác lạm dụng lao động. Ngoài ra, tôm hấp và chế biến của Thái Lan không được hưởng quy chế ưu đãi thuế GSP tại EU từ 2014 nên mức thuế tăng lên 20%. Tôm nguyên liệu đông lạnh cũng bị mất thuế GSP 4% từ tháng 1/2015 và Thái Lan phải chịu mức 12%.

Thái Lan đang đặt mục tiêu phát triển cho ngành tôm không tập trung tăng sản lượng mà chú trọng chất lượng. Dự kiến sản lượng tôm năm 2016 của Thái Lan đạt 300.000 tấn.

 

Indonesia

Năm 2014, Indonesia trở thành nước nuôi tôm lớn thứ hai thế giới với sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng 31% lên 504.000 tấn, sau Trung Quốc – 955.000 tấn. Theo bà Susi Pudjiastuti, Bộ trưởng Bộ Nghề cá biển Indonesia, với mục tiêu sản lượng tôm 785.900 tấn năm 2015, Indonesia có thể trở thành nước sản xuất tôm lớn nhất châu Á và thế giới.

xuất khẩu tôm indonesia

Theo Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA), ngành tôm Indonesia bật lên từ năm 2014, sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh ít nhất đến năm 2017. Sản lượng tôm từ 300.000 tấn/năm 2013 sẽ lên 800.000 tấn/năm 2017. Năm 2014, tổng trị giá xuất khẩu thủy sản Indonesia sang Mỹ 1,3 tỷ USD; trong khi đó tổng trị giá xuất khẩu tôm 1,1 triệu USD. Con số này đã đưa Indonesia trở thành nhà xuất khẩu thủy sản chính tại Mỹ, đặc biệt với mặt hàng tôm. Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Anh, Việt Nam là những thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của Indonesia.

 

Việt Nam 

Xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2015 gặp nhiều khó khăn hơn, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm trên 50%; sang Nhật Bản gần 19%, EU hơn 14%, Trung Quốc 28%, Hàn Quốc 17%. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm đạt 1,2 tỷ USD, giảm 29,2% so cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ yếu từ các thị trường chính Mỹ, Nhật Bản, EU và giá tôm giảm trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thời gian tới, hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia đàm phán, như FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc, Việt Nam và EU hay Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)… sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam nói chung, trong đó có tôm.

Việt Nam là nước sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới với nguồn cung tôm cỡ lớn ổn định và đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng. Vì thế, về lâu dài, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn có lợi thế cạnh tranh hơn các nước sản xuất và xuất khẩu tôm châu Á và Nam Mỹ.

 

Ấn Độ

Năm 2015, xuất khẩu tôm Ấn Độ chững lại do giá tôm nguyên liệu giảm và dịch bệnh phát sinh. Tuy nhiên, so với các nước khác, Ấn Độ có lợi thế nhờ nguồn tôm thẻ chân trắng bố mẹ sạch bệnh nhập khẩu từ Mỹ cộng với đồng Ruppe giảm giá mạnh nên nguồn cung tôm ổn định và thu hút các công ty nhập khẩu hơn.

Xuất khẩu tôm 9 tháng đầu năm đạt trị giá 2,4 tỷ USD; giảm 15,3% so cùng kỳ năm 2014. Mỹ vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất với 926,3 triệu USD; giảm 10,7% so cùng kỳ năm ngoái và chiếm 39% tổng xuất khẩu tôm Ấn Độ. Việt Nam đứng thứ hai với 374,5 triệu USD; giảm 11,8% và chiếm 16%. Đứng thứ 3 là Nhật Bản với 229,7 triệu USD, giảm 18,8%. Trước đây, Mỹ, EU, Nhật Bản và Các tiểu vương quốc A Rập thống nhất là những thị trường tiêu thụ chính mặt hàng tôm Ấn Độ. Nhưng năm 2015, Ấn Độ chủ yếu cung cấp tôm cho Mỹ, Việt Nam, Nhật Bản và EU. Xuất khẩu sang EU cũng giảm mạnh, đặc biệt thị trường Bỉ giảm 33,6%. Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu tôm nguyên liệu đông lạnh sang Mỹ, Việt Nam và xuất khẩu tôm đóng hộp kín khí sang Mỹ, Bỉ, Canada.

Tuấn Minh (tổng hợp)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!