THỨ HAI, ngày 20/1/2025

Phát triển cá tra bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Trước tình hình cá tra nhiều khó khăn như hiện nay, một số địa phương vẫn tiến hành thả nuôi cho hiệu quả khả quan bằng việc áp dụng thực hành nuôi theo VietGAP. Hình thức này đã và đang được nhân rộng.

Vĩnh Long: 14 tổ hợp tác VietGAP 

Dù phát triển trong khó khăn nhưng năm qua, Vĩnh Long vẫn có thêm 14 tổ hợp tác và 11 cơ sở nuôi đạt chứng nhận VietGAP; nâng diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh đạt các tiêu chuẩn tiên tiến lên 276 ha chiếm tỷ lệ 97,7% diện tích đang nuôi. Với kết quả này, Vĩnh Long đã trở thành tỉnh dẫn đầu vùng ĐBSCL thực hiện đảm bảo yêu cầu áp dụng VietGAP theo quy định trong Nghị định số 36 của Chính phủ.Báo cáo của Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh hiện có hơn 2.700 ha nuôi thủy sản, trong đó, cá tra gần 443 ha, còn lại đối tượng khác. Đến nay, 127,6 ha nuôi cá tra thương phẩm được chứng nhận các tiêu chuẩn, trong đó có trên 106 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP/ASC. Năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 115.000 tấn, tăng 9,9% so năm 2014.

Ngày 15/3, tại Vĩnh Long, Sở NN&PTNT Vĩnh Long đã tổ chức họp mặt ngành thủy sản Vĩnh Long năm 2016 và trao giấy chứng nhận VietGAP cho các Tổ hợp tác và cơ sở nuôi cá tra trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

Cơ sở nuôi trồng của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm – Thương mại Ngọc Hà (ấp Cái Cui, xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Cơ sở cung cấp sản phẩm cá tra thương phẩm với diện tích nuôi 7,4 ha, sản lượng 3.300 tấn/năm.

Trang trại nuôi cá tra xuất khẩu Lê Tấn Tài (ấp Thanh Tân, xã Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) cho sản phẩm cá tra thương phẩm, diện tích nuôi trồng 8,1 ha, sản lượng 2.800 tấn/năm.

chứng nhận vietgap cơ sở nuôi cá tra

Ông Hoàng Bá Nghị, đại diện Tổ chức Chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế (NHO) cho biết: “Việc áp dụng và được chứng nhận GAP vừa tạo ra sản phẩm có chất lượng và an toàn thực phẩm, vừa được cấp giấy thông hành vào các thị trường xuất khẩu như châu Âu, Mỹ, Canada, Hàn Quốc… Đồng thời, cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở nâng cao thương hiệu, hình ảnh, năng lực và uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế. Mong rằng, sau khi sản phẩm đạt được chứng nhận VietGAP doanh nghiệp, trang trại, cơ sở sẽ khẳng định được giá trị thực của mình và phát triển bền vững.

 

Tiền Giang: 20,14 ha nuôi cá tra đạt VieGAP

Theo Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện toàn tỉnh có 6 hộ nuôi cá tra với diện tích 20,14 ha đã áp dụng quy trình nuôi cá an toàn và cấp giấy chứng nhận VietGAP. Đây là kết quả của việc triển khai thực hiện Quyết định số 26/2013/QĐ-UBND (Quyết định 26) của UBND tỉnh Tiền Giang về việc ban hành chính sách hỗ trợ áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh.Cụ thể, 6 hộ nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP là: hộ Nguyễn Thị Bé Tư (Ấp Phú Thạnh, xã Phú Phong, Châu Thành) với diện tích ao nuôi cá tra được chứng nhận là 2,34 ha; hộ Trần Minh Phụng (ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông, Chợ Gạo) 3,5 ha; hộ Nguyễn Văn Đời (ấp Tân An, xã Tân Phong, Cai Lậy) 7,5 ha; hộ Nguyễn Hoàng Thảo (ấp Hòa, xã Hòa Hưng, Cái Bè) 3,5 ha; nhóm hộ Nguyễn Thành Măng – Nguyễn Văn Thấy (ấp Bình, xã Hòa Hưng, Cái Bè) 3,3 ha.

Việc hỗ trợ VietGAP cho 6 hộ nuôi cá tra này sẽ được tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục hỗ trợ cho 8 hộ nuôi cá tra nằm trong vùng quy hoạch còn lại của tỉnh với diện tích hơn 18,5 ha, dự kiến áp dụng và đạt chứng nhận VietGAP trong năm 2016. Theo Quyết định số 26, hộ nuôi cá tra phải đạt sản lượng trên 500 tấn mới được hỗ trợ; theo đó, Chi cục Thủy sản đang vận động liên kết 2 – 3 hộ nuôi nhỏ lẻ liền kề nhau thành nhóm để sản lượng cá tra tối thiểu đạt 500 tấn/năm, đủ điều kiện hỗ trợ theo Quyết định 26 và giảm chi phí chứng nhận.

>> Theo chia sẻ của các hộ nuôi cá tra, việc đạt chứng nhận VietGAP giúp họ tạo sản phẩm an toàn, ổn định sản xuất và an sinh xã hội, từ đó góp phần giúp nghề nuôi cá tra phát triển bền vững hơn.

Bảo Bình - Quang Trí

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!