Ngoài chức năng dọn dẹp vệ sinh cho hồ nuôi cá kiểng, trong mắt mọi người, cá lau kiếng hầu như không còn giá trị sử dụng nào khác, thậm chí chúng còn được xếp vào loại động vật ngoại lai nguy hại. Thế nhưng, qua óc sáng tạo và tài chế biến khéo léo của vợ chồng chị Phan Thị Tú, ở ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, con cá lau kiếng giờ trở thành loại thực phẩm có giá trị.
Đem mẻ khô cá lau kiếng vừa sơ chế xong ra trước sân nhà phơi cho kịp đợt nắng sớm, vừa sắp xếp từng miếng cá tươi lên tấm lưới, chị Phan Thị Tú, giải thích cho tôi nghe sơ bộ về quy trình làm khô đối với loài cá này: “Cá lau kiếng làm khô chỉ cần phơi qua 1 ngày nắng là ăn được và ăn rất ngon. Còn nếu phơi nhiều như một số loại khô khác, khô sẽ bị cứng lại sẽ không còn vị ngon nữa. Bởi vậy, vợ chồng tôi thường tranh thủ làm từ sáng sớm để phơi được trọn một ngày nắng, đảm bảo cho khô có chất lượng ngon nhất”.
Khô cá lau kiếng chỉ cần phơi qua 1 ngày nắng là đạt yêu cầu chất lượng thơm, ngon.
Với nhiều người, khô cá lau kiếng vẫn còn khá lạ lẫm. Nhưng với người dân xã Lịch Hội Thượng và nhất là những chủ sạp bán khô ở chợ xã, loại khô này trở nên quen thuộc, nếu không muốn nói thuộc loại “hàng độc” của vợ chồng chị Tú. Về “cơ duyên” đến với sản phẩm độc, lạ này, anh Triệu Ầu Nừng, chồng chị Tú, nói gọn lỏn: “Vợ chồng tôi làm nghề giăng lưới, dính khá nhiều cá lau kiếng. Mới đầu nhìn hình thù nó xấu xí, nên vứt bỏ đi… Dần dần thấy tiếc nên lấy hết về chế biến thành các món ăn. Nhưng, ăn riết cũng chán, vợ tôi thử đem thịt cá ướp gia vị rồi phơi khô để thay đổi khẩu vị cũng như có thể sử dụng lâu dài. Ai ngờ đến khi làm khô thì thấy “đã” hơn. Rồi đem cho hàng xóm ăn thử, ai cũng khen ngon và đặt mua. Vậy là vợ chồng tôi có thêm cái nghề làm khô cá lau kiếng “độc nhất, vô nhị” này”. Vậy là, không bao lâu khô cá lau kiếng đến tay những “đầu nậu” đi gom mua khô. Sản phẩm khô cá lau kiếng của vợ chồng chị Tú bắt đầu được thương mại hóa.
Theo chị Phan Thị Tú, để làm khô phải chọn cá còn sống vì nếu cá chết thịt sẽ bị mềm. Sau khi lóc thịt 2 bên của thân cá, bỏ da, xương và phần đầu, đến công đoạn tẩm ướp gia vị và phơi nắng. Cứ 60 kg cá lau kiếng tươi mới lấy được 10kg thịt và 10kg thịt này sau khi phơi chỉ còn được 3 kg khô. Do đó, để đủ nguyên liệu làm khô theo đặt hàng, anh chị phải đặt mua thêm từ những người đánh bắt trong vùng mới có nguồn cá tươi. Chị Tú chia sẻ: “Với giá bán 180.000 đồng/kg, vào mùa nắng, ngày thường tôi bán được khoảng 3 kg khô, còn mùa mưa thì ít hơn… Nhiều người đặt mua mang lên TP Hồ Chí Minh để ăn và làm quà biếu”. Theo những “mối quen”, người chuyên mua bán khô, khô cá lau kiếng của vợ chồng chị Tú có thịt ngon, được tẩm ướp có vị đậm đà. Nhờ vậy, vợ chồng chị Tú có thêm nguồn thu nhập đáng kể từ con cá tưởng chừng như vứt bỏ đi này. Anh Triệu Ầu Nừng chia sẻ: “Hiện nay, việc tiêu thụ khô cá lau kiếng chủ yếu qua các mối quan hệ quen biết, nên số lượng khô chế biến vẫn còn hạn chế. Nếu có được đầu ra một cách ổn định, chúng tôi sẽ cung cấp khô nhiều hơn, khỏi đi làm thuê nữa”.
Cá lau kiếng là một loài cá có thân hình nâu sẫm, da cứng, sần sùi, thô ráp, miệng to sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, thức ăn chủ yếu là các loài rong tảo. Có thời gian, người chơi cá kiểng xem cá lau kiếng như một công cụ đắc lực để làm nhiệm vụ lau chùi cho các bể cá cảnh, khi không còn nuôi nữa thì thả xuống sông. Với tính thích nghi cùng khả năng sinh sản nhanh, nên không bao lâu cá lau kiếng xuất hiện rất nhiều trên các sông, rạch và trở thành nỗi ám ảnh của người nuôi cá đồng cũng như dân đánh bắt tự nhiên vì chúng không có giá trị kinh tế như những loài thủy sản khác. Không chỉ vậy, cũng có nhiều cảnh báo về sự xuất hiện với số lượng lớn cá lau kiếng làm mất cân bằng sinh thái, gia tăng nạn sạt lở bờ sông… Về sau, một số người sử dụng loài cá này để xay thịt làm thức ăn nuôi cá lóc, hoặc nuôi vịt. Tại một một số vùng, người dân còn tận dụng thịt cá để chế biến ra món chả cá, bán với giá lên đến 80.000 đồng/kg nhờ thịt cá có độ dai tự nhiên và hương vị thịt thơm ngon… Đa dạng sản phẩm chế biến từ cá lau kiếng không chỉ tạo thêm thu nhập cho người dân mà còn góp phần giảm số lượng cá lau kiếng trên sông rạch, giúp cân bằng hệ sinh thái vùng sông nước.