Mô hình này nhiều năm qua được triển khai tại tỉnh Bạc Liêu và đã khẳng định hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Để giúp người nuôi chủ động hơn trong sản xuất, xin khuyến cáo một số giải pháp kỹ thuật sau.
1. Chuẩn bị ao nuôi
Cải tạo đáy ao: Trước mỗi vụ nuôi, người dân tập trung cải tạo ao vào thời điểm từ tháng 9 – 10 dương lịch, thời gian cải tạo 15 – 30 ngày. Sau đó, tiến hành bón vôi CaCO3 từ 100 – 150 kg/ha, đảm bảo ao nuôi duy trì mực nước trên trảng 0,4 – 0,6 m, mương bao có độ sâu 1,2 – 1,5 m, các yếu tố môi trường nằm trong ngưỡng thích hợp (pH, nhiệt độ, độ mặn…) tạo điều kiện cho sò huyết, tôm, cá phát triển ổn định.
Lưu ý: Đối với những ao nuôi còn sò huyết trên mặt trảng của vụ trước thì chỉ cải tạo, sên vét loại bỏ sình, chất bùn quanh mương bao.
Lấy và xử lý nước: Sau khi cải tạo, sên vét ao nuôi, mương bao, tiến hành lấy nước vào ao nuôi thông qua túi lọc để hạn chế trứng các sinh vật gây hại sò huyết xâm nhập vào ao nuôi. Nên theo dõi chất lượng nước ngoài kênh rạch trước khi cấp để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho sò huyết, tôm, cá phát triển.
Sau 2 – 3 ngày tiến hành diệt tạp, diệt khuẩn và 3 – 5 ngày tiếp theo tiến hành gây màu cho ao nuôi tạo nguồn thức ăn tự nhiên (tảo) giai đoạn đầu cho sò khi mới thả giống. Một số hóa chất thông thường có thể sử dụng để diệt tạp như dây thuốc cá (10 – 15 kg/1.000 m3), Saponin (10 – 15 kg/1.000 m3); gây màu dùng phân vô cơ DAP, Ure (3 – 5 kg/1.000 m3) nhằm tạo môi trường tốt cho thủy sản nuôi phát triển.
Kiểm tra môi trường ao nuôi (pH, độ mặn, độ, độ kiềm, độ trong…) trước khi thả nhằm đối chiếu các thông số môi trường trong ao nuôi với giới hạn cho phép xem có nằm trong ngưỡng thích hợp hay không để kịp thời điều chỉnh.
Sau thời gian nuôi 7 – 8 tháng, sò huyết có thể thu hoạch – Ảnh: Trần Thanh Thiện
2. Chọn và thả giống
Sau khi cải tạo hoàn tất, tiến hành thả tôm giống với các đợt trong năm như sau (đợt 1: tháng 11, đợt 2: tháng 2, đợt 3: tháng 6, đợt 4: tháng 8). Đến tháng 4 – 7 dương lịch, tiến hành thả sò huyết giống vào ao, nuôi kết hợp với tôm, cá. Khuyến cáo bà con thả sò huyết giống vào thời điểm này nhằm mục đích chủ động nguồn giống ngoài tự nhiên.
Cùng đó, nuôi kết hợp 3 đối tượng (tôm sú, sò huyết, cá) để mang lại hiệu quả tối ưu nhất, vừa phù hợp với điều kiện sản xuất của hộ dân, điều kiện tự nhiên vừa tăng hiệu quả kinh tế: sò huyết nuôi với mật độ 80 – 100 con/m2, cỡ giống sò 500 – 1.000 con/kg (1 – 2 đợt/năm); tôm sú mật độ 1 – 1,5 con/m2, cỡ giống từ PL12 – 15 (có thể thả 3 – 4 đợt/vụ/năm, mỗi đợt cách nhau 1,5 – 2 tháng); cá rô phi mật độ 0,6 – 1 con/m2 (1 đợt/năm).
Thời điểm thả giống có thể vào buổi sáng hoặc buổi chiều, trời mát, không mưa bão. Thả tôm giống (đợt 4) sau khi thả sò huyết 1 tháng. Nếu có điều kiện nên xét nghiệm tôm giống trước khi thả nuôi nhằm đảm bảo chất lượng.
3. Chăm sóc, quản lý
Khi nuôi sò huyết kết hợp, cần san thưa định kỳ 2 – 3 tháng/lần để tạo môi trường cho sò huyết sinh trưởng và phát triển tốt.
Trong quá trình nuôi, hạn chế việc sử dụng hóa chất. Tuy nhiên, vào những ngày mưa lớn kéo dài, nên bón vôi CaCO3 liều lượng 10 – 15 kg/1.000 m3. Kiểm tra các yếu tố môi trường ngoài kênh cấp trước khi cấp và thay nước để ổn định chất lượng nước ao nuôi.
Định kỳ kiểm tra mức tăng trưởng của sò huyết, các đối tượng nuôi trong ao và các yếu tố môi trường pH, độ mặn, độ kiềm, độ trong… để có hướng xử lý kịp thời.
4. Thu hoạch
Cỡ sò huyết giống thả 500 – 800 con/kg, sau thời gian nuôi 7 – 8 tháng thu hoạch, sò huyết đạt kích cỡ thương phẩm 60 – 70 con/kg. Cỡ sò huyết giống thả 1.000 – 1.200 con/kg thời gian nuôi 12 – 18 tháng thu hoạch, sò huyết đạt kích cỡ thương phẩm 60 – 70 con/kg. Thông thường nông dân áp dụng hai hình thức thu hoạch là thu tỉa và thu dứt điểm, áp dụng phương pháp thủ công khi thu hoạch sò huyết nuôi, rút nước trong ao còn khoảng 1/3, sau đó mò bắt. Riêng đối với tôm sú thì thu tỉa bằng lưới, đăng, đục… kết thúc vụ thì tát cạn ao thu dứt điểm số lượng còn lại cùng với cá nuôi.