Sở dĩ phát hiện chất cấm và kháng sinh trong khô cá ở TP. HCM là do người chăn nuôi sử dụng “quá tay” trong xử lý ao, hầm. Một phần là người nuôi tràn lan mà ngành chức năng thiếu kiểm tra giám sát.
Trước thông tin Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP. HCM vừa công bố các loại cá và khô cá tra bán tại chợ đầu mối bị nhiễm chất cấm thì người nuôi và sản xuất khô cá tra phồng An Giang cho rằng ngành chức năng cần vào cuộc để bảo vệ sức khỏe và thương hiệu đặc sản này.
Anh Trương Bảo Toàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trương Hải (Công ty Trương Hải) ở phường Châu Phú B, TP Châu Đốc, An Giang, chuyên sản xuất khô cá tra phồng có tiếng hơn 25 năm nay trong khu vực, cho biết, sở dĩ phát hiện chất cấm và kháng sinh trong khô cá ở TP. HCM là do người chăn nuôi sử dụng “quá tay” trong xử lý ao, hầm. Một phần là người nuôi tràn lan mà ngành chức năng thiếu kiểm tra giám sát. “Tôi nghĩ các chất này chủ yếu xuất phát từ người chăn nuôi, chứ trong chế biến khô này rất đơn giản, không có chất đó được”, anh Toàn nói.
Từ lâu khô cá tra phồng Châu Đốc đã nổi tiếng vì hương vị thơm, ngon
Hiện tại, Công ty Trương Hải đang vừa sản xuất khô vừa có vùng nuôi với diện tích trên 1,5 ha. Do đó quy trình làm khô của Công ty xem như khép kín. Cá nuôi từ nhỏ đến đạt trọng lượng 1 kg/con là Công ty đã thu hoạch làm khô cá tra phồng. Công ty chuyên làm gia công cho nhiều Công ty xuất nhập khẩu ở TP. HCM và các tỉnh, thành với số lượng khoảng 50 tấn/năm đi các thị trường Mỹ, Đài Loan, Trung Quốc.
Để được như vậy thì cá tra nuôi và khô của Công ty đã trải qua các khâu kiểm nghiệm của ngành chức năng tỉnh. Sản phẩm khô của Công ty cũng đều có nhãn mác rõ ràng nên rất dễ truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP. HCM kiểm nghiệm 143 mẫu thủy sản đã có 41 mẫu (gần 29%) chứa dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm, trong đó có cả khô cá tra ở chợ đầu mối Bình Điền dính chất cấm Trichlorfon.
“Thật tình khi nghe thông tin này người làm khô ít nhiều gì cũng bị thiệt hại. Mong các ngành chức năng sớm vào cuộc xử lý nghiêm những vùng nuôi sử dụng chất cấm để người tiêu dùng biết, qua đó cũng lấy lại thương hiệu, sản phẩm khô cá tra phồng nổi tiếng ở An Giang”, anh Toàn nói.
Thông tin đăng trên báo chí vừa qua thì các loại khô, cá bị nhiễm cấm và kháng sinh ở TP. HCM là Leucomalachite, Enrofloxacin, Trichlorfon… Các chất này nếu sử dụng trong ngành thủy sản có khả năng gây ung thư, sẩy thai. Nhiễm nặng có thể bất tỉnh, co giật, thậm chí tử vong.
Châu Đốc vốn dĩ nổi tiếng với làng bè nuôi cá tra và nghề làm khô cá tra phồng. Trước thông tin này đã ít nhiều khiến người trong nghề hoang mang và lo lắng rồi đây con cá khô miền tây sẽ có thể rớt giá nếu không làm sáng tỏ.