THỨ NĂM, ngày 23/1/2025

Hạn – mặn ĐBSCL năm 2016: Thủy sản cần thích ứng lâu dài

Chưa có đánh giá về bài viết

Tình trạng hạn – mặn năm nay ở ĐBSCL là thảm họa gây ra rất nhiều thiệt hại cho người dân ven biển. PV Tạp chí Thủy sản Việt Nam phỏng vấn chuyên gia độc lập về đa dạng sinh học ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện (ảnh) xoay quanh việc ứng phó của ngành thủy sản.

chuyên gia độc lập về đa dạng sinh học ĐBSCL Nguyễn Hữu ThiệnTình trạng hạn – mặn gay gắt gây ra nhiều thiệt hại nên người dân và chính quyền địa phương không thể ngồi yên, cả Chính phủ cũng phải có hành động khẩn cấp, ông thấy thế nào?

Hành động khẩn cấp là hoàn toàn đúng, cần thiết. Tuy nhiên, đối với chiến lược thích ứng lâu dài không nên lấy tình hình của năm cực đoan, chưa khẳng định là khuynh hướng, như năm nay, làm chuẩn. Một chiến lược lâu dài nên dựa vào khuynh hướng chung nhiều năm, có dự trù tình huống cực đoan. Như đã đề cập ở trên, trừ những năm cực đoan, còn lại là những năm nằm trong khuynh hướng biến đổi khí hậu chúng ta đã biết là nhiệt độ ngày càng tăng, nước dâng cao dần dần, xâm nhập mặn xâm lấn dần.

 

Cụ thể với ngành thủy sản, theo ông cần làm gì?

Vùng ven biển ĐBSCL có thể chia làm ba vùng, độ dày mỏng tùy theo địa hình, vị trí gần hay xa nguồn nước sông Cửu Long. Rìa nhất là vùng mặn quanh năm, kế tiếp là vùng nước lợ với 6 tháng ngọt, 6 tháng mặn; trên đó là vùng ngọt. Khuynh hướng hiện nay là 2 vùng ngoài đang lấn dần vào vùng trong. Khuynh hướng này là khó cưỡng lại. Đối phó với những thay đổi thì có nhiều cách lựa chọn, hoặc là kiên cố chống lại sự thay đổi để duy trì tình trạng hiện tại; hoặc rút lui; hoặc thay đổi theo để phù hợp và tận dụng cơ hội mới.

 

Thiên tai năm nay cho thấy một tình hình khó cưỡng lại là nhiều vùng làm hai vụ lúa đã bị nhiễm mặn, bên cạnh nhiều vùng lợ đã bị mặn khá nặng?

Thông thường, khi biết một khuynh hướng không thể chống lại, thay đổi theo cũng là cách thích ứng tốt. Vậy đối với vùng mặn hẳn và vùng nước lợ, không nên cố gắng duy trì hệ thống canh tác ngọt suốt năm mà nên thích nghi. Theo đó, vùng mặn hẳn nên nuôi thủy sản và canh tác mặn quanh năm, vùng lợ nên có hệ thống canh tác mặn trong mùa mặn và canh tác ngọt trong mùa ngọt. Thực tế người dân cũng đã sáng tạo ra sự kết hợp hài hòa trong hệ thống luân canh tôm – lúa, nuôi tôm vào mùa mặn và trồng lúa vào mùa mưa có nước ngọt cho hiệu quả cao về nhiều mặt.

thủy sản thích ứng với hạn mặn

Thủy sản cần sớm thích ứng hạn, mặn – Ảnh: T.Hải

 

Ở khía cạnh nào đó, thiên tai năm nay mở ra cơ hội cho thủy sản, thưa ông?

Rõ ràng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đối mặt với những thách thức và cơ hội mới, rất cần xem xét lại chiến lược an ninh lương thực để tránh chỉ tập trung vào cây lúa. Tăng sản lượng lương thực bằng mọi giá, chịu rủi ro cao do điều kiện khắc nghiệt ở những nơi và những mùa không phù hợp sẽ còn ảnh hưởng đến an ninh lương thực đời con cháu về sau vì bóc lột đất đai, làm nghèo kiệt đất. Khi nước mặn tăng thì nuôi trồng thủy sản có thể phát triển nhiều loài thích hợp, giữ được đa dạng sinh học. Hơn nữa, cũng xin nhấn mạnh, trong khi chúng ta bận bịu đối phó với hạn mặn, cũng xin đề phòng La Nina sẽ gây mưa lũ lớn trong mùa tới khi hết El Nino. Cần tính toán nuôi trồng thủy sản thích hợp để phát triển bền vững lâu dài.

>> Hiện tượng hạn – mặn gay gắt năm nay là hiện tượng cực đoan, hiếm xảy ra, ít nhất là 90 năm nay mới có lần đầu. Thật ra con số 90 tròn trịa là vì ta chỉ có số liệu đến năm 1926 do Pháp để lại. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những hiện tượng cực đoan được dự báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn, ví dụ hiện tượng 100 năm mới có một lần có thể xảy ra 20 năm một lần, ông Nguyễn Hữu Thiện chia sẻ.

Thanh Hải (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!