Hỏi – Đáp Thủy sản tháng 4/2016 (P. 4)

Chưa có đánh giá về bài viết

Hỏi: Ao cá bị dịch, vảy cá bị tia màu đỏ, đầu đen, cả mình trắng, đặc biệt chỉ xảy ra với cá trắm cỏ. Xin hỏi nguyên nhân và cách khắc phục? (Cao Vũ Nênh, Thanh Hóa, ĐT: 01214 169 915)

Xem thêm Chuyên mục Hỏi – Đáp Thủy sản (Tạp chí Thủy sản Việt Nam)

Trả lời:

Cá trắm cỏ thường bị bệnh đốm đỏ, đen thân, xuất huyết vào 2 mùa chính trong năm đợt 1 vào tháng 3 – 4, đợt 2 vào tháng 7 – 8 hàng năm. Cá bị bệnh thường bỏ ăn, rách tia vây, thối mang, tuột vảy, đen thân, xuất huyết cơ quan nội tạng. Nguyên nhân do môi trường nuôi không đảm bảo, chất lượng cá giống khi đánh bắt, vận chuyển không tốt làm cá dễ nhiễm bệnh vì cá trắm cỏ ưa môi trường nước sạch.

Khắc phục: Khử trùng nước ao nuôi cá bằng 1 trong các thuốc sát trùng sau: BKC, Benkocid, VICATO hoặc nước vôi trong. Nghiền tỏi phun vào cỏ (500 g tỏi/100kg cá/ngày) hoặc phun kháng sinh (Oxy Tetracycline hoặc Sulfamid kết hợp Trimethoprim với liều 1 g/20 kg cá/ngày) vào cỏ cho cá ăn 5 ngày liên tục. Sau khi đó, dùng chế phẩm vi sinh như NB25 ANOVA (1 kg/4000 m3 nước) để xử lý nước ao nuôi.

 

Hỏi: Ao bị sủi bọt, nước màu xanh khoảng hơn 1 tuần. Hỏi nguyên nhân  và cách khắc phục? (Cao Xuân Thơ, Thanh Hóa, ĐT: 01693 740 633)

Trả lời:

Ao bị sủi bọt, nước màu xanh do ao bị ô nhiễm mùn bã hữu cơ (bùn dày, bùn đen nhiều) có thể sinh ra khí độc H2S khi thời tiết thay đổi sẽ sủi bọt và có màu xanh. Nguyên nhân do quá nhiều chất thải đổ xuống ao như phân lợn, phân vịt, nước thải… Hoặc do bùn đáy ao quá dày trước khi nuôi không hút, nạo vét bớt bùn.

Để khắc phục: Cần thay nước mới, nước sạch (nếu có thể). Sử dụng chế phẩm sinh học của các công ty uy tín như NB25 ANOVA, BZT500… (hòa loãng té khắp ao), tăng cường phun mưa hoặc đảo nước. Hết lứa nuôi, cần hút bớt bùn đen (nếu bùn dày trên 30 cm).

TS. Kim Văn Vạn - Phó Trưởng Khoa Thủy sản - Học Viện Nông nghiệp Việt Nam

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!