Sau những ngày tạm ngừng ra khơi vì ảnh hưởng của nạn cá chết bất thường, thời điểm này những tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã bắt đầu vươn khơi bám biển trở lại.
Gia đình ngư dân Bùi Đình Biểu, khu phố 3 thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) vốn có 2 tàu cá hoạt động nghề dạ đánh bắt các loại cá tầng đáy có giá trị như cá đổng, cá đuối, cá sơn, cá bơn, óc, vọ và đánh bắt xa bờ nghề lưới rê bùng nhùng. Thông thường, mùa này ông Biểu hay đi biển bằng nghề dạ, còn nghề rê bùng nhùng chủ yếu đi vào mùa đông. Nửa tháng qua ông Biểu ngừng đi biển vì ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết. Qua theo dõi thông tin thấy tình trạng cá chết bất thường chỉ ảnh hưởng đến các tàu đánh bắt gần bờ như nghề dạ chứ cá đánh bắt xa bờ không bị ảnh hưởng độc tố vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm, ông Biểu lập tức liên hệ cho một số bạn nghề ở các tỉnh Quảng Ngãi, Khánh Hòa, nắm bắt thị trường trong đó vẫn tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ bình thường nên ông quyết định chuyển qua nghề lưới rê bùng nhùng đánh bắt xa bờ và tiếp tục vươn khơi, bám biển. Không riêng gì ông Biểu, hiện trên địa bàn thị trấn Cửa Việt cũng có 35/80 tàu đánh bắt xa bờ đã trở lại biển tham gia đánh bắt hải sản.
Hoạt động mua bán, tiêu thụ hải sản của ngư dân đã bắt đầu trở lại ở Cảng Cửa Việt
Sáng ngày 2/5 tàu cá của ngư dân Bùi Đình Khảm, khu phố 5, thị trấn Cửa Việt cập cảng Cửa Việt mang theo 2 tấn cá các loại như thu, ngừ, cờ… Ông Khảm kể lại: “Tàu tôi ra khơi cách đây đúng 21 ngày, khi tình trạng cá chết bắt đầu diễn ra ở Quảng Trị. Trong khoảng thời gian đánh bắt ở vùng biển xa, qua máy thông tin liên lạc có tích hợp định vị vệ tinh chúng tôi thấy rất lo lắng vì tình trạng cá chết khiến ngư dân trên địa bàn tỉnh không ra khơi, người dân không sử dụng sản phẩm hải sản vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe… Ở thế tiến thoái lưỡng nan, chẳng lẽ vượt hàng trăm hải lý ra giữa biển khơi buông lưới rồi mà giờ lại đổ cá xuống biển trở về tàu không? Những mẻ cá tươi ngon cứ lần lượt được kéo lên, không đành lòng nên chúng tôi quyết vẫn bám tr ụ giữa biển vừa tiếp tục khai thác, vừa theo dõi diễn biến tình hình trên bờ thông qua máy bộ đàm. 20 ngày lênh đênh trên biển, cá bắt đầu đầy khoang và tàu cũng gần cạn kiệt lương thực, nhiên liệu. Chúng tôi định vào các cảng biển phía Nam tiêu thụ sản phẩm vì sợ về quê không ai mua thì ở nhà có thông tin thương lái ở Cảng cá Cửa Việt bắt đầu thu mua cá trở lại. Vào bán cá ở đây còn được ngành chứ c năng cấp giấy xác nhận cá đánh bắt xa bờ để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ”. Tàu vừa cập bến, toàn bộ số lượng 2 tấn cá của tàu ông Khảm được thương lái đưa xe đông lạnh đến thu mua tại chỗ. Giá cá giảm hơn khi chưa xảy ra tình trạng cá chết bất thường từ 20 – 30% tùy loại, ví dụ cá thu trước đây giá 130 ngàn đồng/kg giờ còn 100 ngàn đồng/kg; cá ngừ trước 50 ngàn đồng/kg giờ còn 20 – 30 ngàn đồng/ kg tùy loại… nhưng ông và các bạn thuyền cũng cảm thấy an tâm hơn vì được ngành chức năng hỗ trợ kịp thời.
Để hỗ trợ ngư dân trong việc tiêu thụ sản phẩm, những ngày qua dù trong thời gian nghỉ lễ, các cán bộ Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Ban Quản lý Cảng cá Quảng Trị vẫn hàng ngày có mặt tại 2 cảng cá Cửa Tùng và Cửa Việt tích cực phối hợp triển khai xem xét, lập biên bản xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác nhằm chứng minh nguồn gốc hải sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các chủ tàu đánh cá xa bờ và chủ hộ kinh doanh vận chuyển thủy sản đi tiêu thụ trên địa bàn trong và ngoài tỉnh. Sau 3 ngày triển khai ngành chức năng đã cấp biên bản xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác xa bờ cho 9 tàu cá với tổng sản lượng đã khai thác đã được chứng nhận 11,5 tấn cá các loại và mực. Việc làm này đã giúp ngư dân và thương lái thu mua hải sản yên tâm hơn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Chia sẻ với những khó khăn của ngư dân, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng cần chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch trên địa bàn các tỉnh bị thiệt hại do thủy, hải sản chết bất thường phối hợp với các sở, ban, ngành, chi nhánh NHNN đánh giá, xác định mức độ thiệt hại từ nguồn vốn vay ngân hàng để tham mưu cho UBND cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) đã có quyết định về các chính sách hỗ trợ khách hàng, nhất là ngư dân, hộ sản xuất, doanh nghiệp chịu thiệt hại về hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt thời gian qua tại 4 tỉnh miền Trung trong đó có Quảng Trị. Theo đó, Agribank thực hiện miễn toàn bộ lãi đối với dư nợ bị thiệt hại; đồng thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng đối với khách hàng bị thiệt hại trực tiếp (có thủy, hải sản chết). Đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp (nuôi trồng, đánh bắt, thu mua, bảo quản, tạm trữ và dịch vụ liên quan khác…), Agribank miễn 1 tháng lãi tiền vay của dư nợ bị ảnh hưởng; đồng thời dừng thu lãi 3 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc, lãi vay phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng. Agribank dự kiến dành nguồn vốn 500 tỷ đồng trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày 4/5/2016 cho chương trình ưu tiên về vốn, lãi suất đối với khách hàng có phương án sản xuất kinh doanh mới cụ thể: lãi suất cho vay ngắn hạn: 6%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn: 8%/năm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề hỗ trợ ngư dân trong thời điểm khó khăn sau nạn cá chết bất thường, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, bên cạnh việc phối hợp các bộ, ngành Trung ương để xác định nguyên nhân, đề xuất các chính sách hỗ trợ khó khăn trước mắt cũng như lâu dài đối với ngư dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng cá chết. Thời gian tới, nếu đầu ra nguồn hải sản được đánh bắt xa bờ, an toàn gặp khó khăn tỉnh sẽ tạo điều kiện kêu gọi các doanh nghiệp, nhà máy thu mua, có chính sách trợ giá nhằm ổn định đầu ra cho ngư dân.