Sản phẩm cá tra Việt Nam chiếm hơn 90% thị phần thế giới. Để nâng cao giá trị và lấy lại vị thế, việc xây dựng thương hiệu quốc gia đã được triển khai, nhưng hơn một năm nay, vấn đề này vẫn chìm trong tranh cãi.
Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn kể, tại một hội chợ thủy sản tầm cỡ thế giới, gian hàng của doanh nghiệp nước ta chế biến món cá tra mời khách thưởng thức. Một khách hàng nước ngoài ăn, ngạc nhiên: “Hình như đây không phải cá tra vì khác hẳn mua trong siêu thị? Ở đây thơm ngon, còn cá tra mua trong siêu thị nhạt, bở”. Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Hồ Văn Vàng cũng cho biết, khách hàng Việt kiều phàn nàn cá tra trước đây ngon, nay không ngon vì nhiều nước.
Chất lượng vẫn phải bàn
Gần 2 năm qua, khi có Nghị định 36 về sản xuất và kinh doanh sản phẩm cá tra, cuộc tranh cãi về chất lượng cá tra âm ỉ nhiều năm trước đã trở nên gay gắt. Để thực hiện Nghị định, Thông tư 23 hướng dẫn, từ ngày 1/1/2015, sản phẩm cá tra xuất khẩu chỉ được phép có hàm ẩm tối đa 83%, mạ băng không quá 10%.
Tuy nhiên, thực trạng sản phẩm cá tra rất đáng lo ngại. Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) Nguyễn Như Tiệp cho biết, có loại hóa chất giúp đưa nước vào thịt cá bao nhiêu cũng được. Năm ngoái, NAFIQAD tổ chức kiểm tra sản phẩm cá tra, kết quả là chỉ một số ít có hàm ẩm thấp. Hàm ẩm chính là thông số cho biết lượng nước đưa vào thịt cá. Theo ông Tiệp, lượng nước trong cá tra tự nhiên chỉ xấp xỉ 80%, trước nay chưa thay đổi. Còn sản phẩm chế biến, hàm ẩm cứ tăng thêm 1% có nghĩa miếng thịt cá đã bị thêm lượng nước hơn 4%. Nghị định 36 đặt tiêu chuẩn hàm ẩm tối đa 83%, đảm bảo miếng cá vẫn ngon, nhưng qua kiểm tra của NAFIQAD, mới hơn 3% sản phẩm cá tra đạt tỷ lệ đó. Thậm chí, hàm ẩm đến 86% thì cũng không phải tất cả sản phẩm cá tra đã đạt.
Tỷ lệ hàm ẩm trong sản phẩm cá tra còn nhiều tranh cãi – Ảnh: Lê Hoàng Vũ
Do những tranh cãi, thời gian thực hiện hàm ẩm 83% và mạ băng 10% được lùi đến ngày 1/1/2016. Thế nhưng, nay vẫn chưa thực hiện mà đang bàn bạc dự thảo sửa đổi Nghị định 36 và Thông tư 23, gọi là xây dựng lộ trình phù hợp thực tế nâng cao chất lượng cá tra. Dự kiến theo đó, sản phẩm cá tra cho phép hàm ẩm tới 86%, mạ băng không quá 20% thực hiện đến ngày 31/12/2018 và từ ngày 1/1/2019 mới chính thức áp dụng hàm ẩm 83%, mạ băng 10%. Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe đề nghị: “Không vì vài doanh nghiệp không đàng hoàng, đưa nước vào cá, mà làm vòng kim cô siết các doanh nghiệp”.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam Nguyễn Việt Thắng mong muốn sớm thực hiện việc nâng cao chất lượng cá tra vì phải quan tâm đến cả người nuôi, an sinh xã hội, sự phát triển bền vững ngành cá tra. Nâng cao chất lượng cũng là nội dung chính của xây dựng thương hiệu cá tra. Theo các chuyên gia về thương hiệu, sản phẩm cá tra trở thành thương hiệu quốc gia chỉ khi kết tinh những giá trị về chất lượng, thể hiện hàm lượng chất xám cao nâng giá trị sản phẩm lên mức cao nhất, còn thể hiện năng lực hàng đầu của doanh nghiệp có sản phẩm ấy.
Thị trường thu hẹp
Cuộc tranh cãi “về nước” trong cá tra sang đầu năm 2016 gặp thách thức mới: Đạo luật Nông nghiệp của Mỹ. Đạo luật này quy định, cá tra muốn xuất khẩu vào Mỹ phải được kiểm tra bởi Cơ quan kiểm tra và An toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp Mỹ, để đảm bảo các tiêu chuẩn tương đương ở Mỹ. Thời gian kiểm tra để đảm bảo các tiêu chuẩn tương đương là 18 tháng, từ ngày 1/3/2016 đến 31/8/2017, gọi là thời gian chuyển tiếp.
Vừa rồi, phía Mỹ đã đồng ý cho 45 nhà máy chế biến cá tra của Việt Nam được phép xuất khẩu vào thị trường này. Theo đó, các nhà máy này sẽ được phía Mỹ trực tiếp kiểm tra, thường xuyên và đột xuất, cả chuỗi sản phẩm từ con giống, vùng nuôi, chế biến đến vận chuyển.
Như thế, lùi thời gian nâng cao chất lượng cá tra đã “đụng” Đạo luật Nông nghiệp Mỹ. Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Võ Hùng Dũng nhận xét: “Nếu sửa Nghị định 36, lùi thời gian thực hiện hàm ẩm 83% và mạ băng 10%, chẳng lẽ chúng ta thông báo với thế giới là bước lùi về chất lượng, trong khi Đạo luật Nông nghiệp Mỹ siết chặt hơn việc nâng cao chất lượng”.
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho rằng, đáp ứng yêu cầu của Mỹ và Nghị định 36 là hai việc khác nhau, không “dính” với nhau. Theo ông, hàm ẩm và mạ băng là chuyện giữa “ông nhập khẩu” với “ông xuất khẩu”, chuyện thương mại.
Tuy nhiên, với nhiều người thì hai việc có “dính” với nhau, xét ở khía cạnh xây dựng thương hiệu cá tra. Giám đốc Hợp tác xã Thới An chuyên nuôi cá tra ở Ô Môn (Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải nói: “Tuân theo tiêu chuẩn của Mỹ hiển nhiên nâng cao được chất lượng cá tra, rất tốt cho chúng ta mà Nghị định 36 cũng nhằm mục đích đó. Chỉ khác, nếu nói thực hiện Nghị định 36 thì cứ tranh cãi để không làm, còn thực hiện tiêu chuẩn Mỹ thì phải làm để tồn tại. Vào được thị trường Mỹ sẽ dễ vào các thị trường khác, từ đó xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam”.
Hiện tại, có khoảng 27 doanh nghiệp cá tra của Việt Nam đang theo đuổi và tham gia xem xét hành chính lần thứ 12 (POR 12), dự kiến vào tháng 9/2016 sẽ có kết quả sơ bộ. Song song đó, cá tra của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng ở EU, Mỹ, Nga… Thêm cái khó là sản lượng cá tra nguyên liệu thiếu hụt, trong khi giá cá đang tăng nhưng người dân không dám nuôi mới bởi hết vốn và ngân hàng “ngại” cho vay. Vì vậy, ngành chức năng và doanh nghiệp cần chủ động ứng phó, đẩy mạnh quảng bá, tìm thị trường…
>> 3 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu cá tra đạt 358 triệu USD, tăng 4,2% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 10%, Trung Quốc tăng 39%, Brazil tăng gấp 8 lần… |