Trong khi nhiều tàu cá chật vật vươn khơi vì thiếu lao động thì không ít ngư dân có kinh nghiệm ở địa phương lại xuất ngoại làm thuê với ước mơ đổi đời. Đó là thực tế ở quê biển Bình Minh (huyện Thăng Bình) nói riêng, các làng chài ven biển Quảng Nam nói chung.
Làng ngư dân… xuất ngoại
Đầu năm 2011, ngư dân ở các làng chài của xã Bình Minh bắt đầu chuyến xuất ngoại đầu tiên với 20 người. Thời điểm ấy, một công ty xuất khẩu lao động có trụ sở tại Hà Nội đưa dự án xuất khẩu ngư dân sang Hàn Quốc về triển khai tại xã Bình Minh, với mức lương hấp dẫn 20 – 30 triệu đồng/lao động/tháng. Đó là chưa kể những khoản thưởng, chi phí ăn ở, sinh hoạt do chủ sử dụng lao động lo hết. Ngư dân Hồ Ngọc Minh, một trong 20 người xuất ngoại sang Hàn Quốc chuyến đầu tiên cho biết, chi phí hồ sơ, giấy tờ đi lao động xứ Hàn lúc đó rất cao, lên đến 7.500 USD nên gia đình anh và các ngư dân phải vay mượn, cầm sổ đỏ mới đủ tiền đi. “Làm nghề biển ở Hàn Quốc cũng rất vất vả, nhưng lương và thưởng cao, chủ tàu còn ưu ái cho thuyền viên hải sản loại 3 để phơi khô bán ra chợ tăng thêm thu nhập nên mỗi tháng đánh bắt của chúng tôi dao động 30 – 50 triệu đồng” – anh Minh nói.
Với những ngư dân đã và đang có dự định xuất khẩu lao động sang nước ngoài làm ăn thì mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm là một “hấp lực”, họ quyết định bỏ biển, bỏ tàu ở quê nhà để làm thuê trên tàu và biển nước ngoài, với các nghề câu mực, đánh cá, lặn bắt sâm biển, mò ngọc trai… Sau vài năm làm việc, các ngư dân gửi tiền về quê xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện đi lại, mở hàng quán buôn bán… đã làm cho làng quê biển ở Quảng Nam thêm khởi sắc.
Thiếu bạn đi biển, nhiều tàu cá ở Quảng Nam nằm bờ – Ảnh: Thạch Hà
Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng số ngư dân Quảng Nam xuất ngoại làm nghề biển lên đến hàng trăm lao động; ngoài Hàn Quốc, ngư dân còn sang làm việc ở Đài Loan, Malaysia, Thái Lan… Ông Lê Tôn Tưởng, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện có 6 đơn vị trong cả nước có chức năng đưa ngư dân ra nước ngoài làm việc, nhưng trung tâm chỉ liên kết với một công ty có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh đưa khoảng 100 lao động sang Hàn Quốc khai thác thủy sản.
Bán tàu vì thiếu lao động
Xã Bình Minh có 121 phương tiện hành nghề biển, trong đó, 22 tàu đánh cá xa bờ, ngư trường chính là vùng biển Hoàng Sa. Theo lãnh đạo địa phương, những ngư dân tham gia xuất khẩu lao động trước đây cũng từng đi làm cho tàu cá các địa phương trong tỉnh hoặc ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi… nên không ảnh hưởng nhiều đến nghề biển của xã. Tuy nhiên, theo nhiều chủ tàu cá ở Bình Minh, lượng lớn ngư dân trẻ đi xuất khẩu lao động nên chất lượng lao động trên các tàu cá thời gian qua có giảm sút, hầu hết những người lớn tuổi còn bám tàu, bám ngư trường truyền thống. Một chủ tàu lo lắng: “Tổ chức một chuyến vươn khơi trong thời điểm hiện nay thì việc tìm “bạn” khó hơn so với trước đây. Vươn khơi không đủ lao động thì các thuyền viên cũng vất vả hơn. Đó là chưa kể những ngư dân sau thời gian đi xuất khẩu lao động về điều kiện kinh tế khá lên thì chuyển sang nghề khác, không còn mặn mà với nghề biển”.
Tình trạng thiếu lao động vươn khơi hiện khá phổ biến ở các xã vùng biển tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh việc sang nước ngoài làm thuê, mấy năm nay sản lượng đánh bắt của nhiều phương tiện sụt giảm, đầu ra hải sản lại không ổn định khiến nhiều ngư dân chuyển nghề hoặc thay đổi phương tiện nên nguồn nhân lực không ổn định.
Tình trạng thiếu lao động diễn ra ngày một gay gắt hơn khiến quá trình sản xuất trên biển của các chủ tàu ngày một khó khăn. Ông Phạm Văn Trung (ở khối phố Phước Hải, phường Cửa Đại, TP. Hội An) chủ tàu cá QNa 92106 có công suất 250 CV cho biết, trước đây mỗi năm gia đình ông có thể tổ chức được hơn 30 chuyến câu cá hố thì trong năm 2015 chỉ có thể bám biển được gần 20 chuyến với thời gian 8 ngày/chuyến. “Ngày trước, mỗi lần ra khơi trên tàu có 10 lao động thì nay “gom” được 7 – 8 người gia đình cũng phải nhổ neo vươn khơi. Tìm lao động đi câu cá hố quá khó nên chúng tôi phải mời cả những người chưa đi biển bao giờ cùng tham gia” – ông Trung chia sẻ.
>> Để vượt qua khó khăn, nhiều chủ tàu cá ở Quảng Nam đề xuất tiếp cận Nghị định 67 và 89 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản để vay vốn ưu đãi đóng tàu lớn vươn khơi. Thế nhưng, câu chuyện “tàu cá 89 xa… nguồn vốn” ở Quảng Nam đang làm cho nhiều ngư dân điêu đứng. |